Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 21/5: Đã 35 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 21/5: Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến sáng nay cũng bước vào ngày thứ 3, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trờ về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5
- Tính từ 18h đến 6h ngày 21/5: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.987, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 307
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.633
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.047
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
Đến thời điểm này có 264 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta. 60 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 27 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...
Tính đến sáng ngày 21/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân nặng 91 (nam phi công người Anh, 43 tuổi) đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy. Bệnh nhân tiếp tục sử dụng kháng sinh, kháng nấm, tiên lượng còn nặng.
Tuy nhiên, kết quả 5 lần xét nghiệm liên tiếp từ ngày 7/5 đến nay, bệnh nhân này đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm đối chứng của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này cũng tương tự.
Đến ngày 21/5, bệnh nhân đã trải qua 2 tháng 3 ngày điều trị tại BV Bệnh Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (bệnh nhân này sắp được chuyển sang BV Chợ Rẫy điều trị hồi sức tích cực và có nhiều chuyên khoa kết hợp); bệnh nhân hiện vẫn tiếp tục ECMO ngày thứ 45. Sự sống của bệnh nhân hiện gần như phụ thuộc vào ECMO.
Việc ghép phổi cho bệnh nhân này chỉ có thể thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu về cả sức khoẻ và các điều kiện liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình thế giới, khu vực được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.
“Trong bối cảnh đó, dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều. Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; mà còn cho chúng ta vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu đặt ra là không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn phải biến thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước.
Tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.