Trung bình số ca COVID-19 mới ghi nhận trong 07 ngày qua là 18.051 ca/ngày
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 19/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.500 ca mắc COVID-19 mới tất cả đều trong nước tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.231 ca trong cộng đồng.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 18.051 ca/ngày, thấp nhất trong khoảng 2,5 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.489.319 ca mắc, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.052 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.481.571 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.535.789), TP. Hồ Chí Minh (607.520), Nghệ An (477.183), Bình Dương (382.886), Bắc Giang (380.933).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 9.065.694 ca. Hiện đang điều trị, giám sát 1.380.668 trường hợp, trong đó có 1.010 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 732; Thở ô xy dòng cao HFNC: 122; Thở máy không xâm lấn: 29; Thở máy xâm lấn: 124; Thở ECMO: 3.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 17 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.975 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Hơn 2.100 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại TP HCM trì hoãn tiêm vaccine do mắc COVID-19 chưa quá 3 tháng, sốt...
Tại TP HCM, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi đợt 1 được triển khai từ ngày 16- 30/4. Ước tính trên địa bàn thành phố hiện có 898.537 trẻ trong độ tuổi cần tiêm trong đợt này.
Tính đến hết ngày 18/42022, TP HCM đã tiêm được 35.331 trẻ. Tổng số trẻ hoãn tiêm là 2.160 trẻ, có 246 trường hợp chuyển tiêm tại bệnh viện.
Theo kế hoạch, ngày 19/4, TP HCM triển khai tiêm chủng tại tất cả 22 quận, huyện, TP Thủ Đức với 145 điểm tiêm, dự kiến số trẻ đến tiêm là 40.134 trẻ.
Theo Sở Y tế TP HCM, số trẻ hoãn tiêm phần lớn do trẻ đã mắc COVID-19 mà chưa đủ thời gian 3 tháng tính từ khi mắc bệnh, bên cạnh đó là các trẻ có tiền sử dị ứng, đang mắc bệnh lý cấp tính, đang sốt....
Sở Y tế TP HCM cũng đánh giá, công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống COVID-19.
Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ ngày 14/4. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi. Đến nay hàng chục tỉnh, thành phố đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 2 đợt với tổng hơn 2,3 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 20/4 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 505.703.256 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.226.843 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 552.250 và 1.881 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 457.601.258 người, 41.875.155 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 41.967 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca mắc mới với 130.759 ca; Hàn Quốc đứng thứ hai với 118.445 ca; tiếp theo là Australia (39.091 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 235 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ 195 ca và Pháp với 182 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.397.021 người, trong đó có 1.016.015 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.046.977 ca nhiễm, bao gồm 522.001 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.275.219 ca bệnh và 662.151 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 187 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 146 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 97,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,82 triệu ca và châu Đại Dương 6,58 triệu ca nhiễm.