Sáng 19/8, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, đang có 100 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2

19-08-2020 06:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin 6h sáng 19/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới nào được ghi nhận. Hiện Việt Nam vẫn có 989 bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân đang điều trị đã có 100 ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 19/8: Việt Nam có tổng cộng 649 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 509 ca.

- Tính từ 18h ngày 18/8 đến 6h ngày 19/8: 0  ghi nhận ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 81.585, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 3.350

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 22.360

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 55.875

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, đây đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.

Các bệnh nhân này đều bị bệnh lý nền rất nặng, suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp. Sau khi được công bố khỏi bệnh,  các bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện để lọc máu định kỳ và sau đó chuyển về Bệnh viện Da Liễu Đà Nẵng để điều trị tiếp. Ngoài ra, còn BN 452 âm tính 4 lần bị suy tim, rung nhĩ, thiếu máu não, hẹp hỡ van hai lá cũng được công bố khỏi bệnh.

Như vậy đến thời điểm này có 525 bệnh nhân/989 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến sáng ngày 19/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 35 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 35ca, số ca âm tính lần 3 là 30 ca.

Số ca tử vong là 25. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hôm qua, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.

Bày tỏ quan ngại khi nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp.

Về tình hình dịch bệnh trong nước, Ban Chỉ đạo khẳng định các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài,… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.


Thái Bình
Ý kiến của bạn