Sáng 19/10: Bộ Y tế nhắc nhiều lần vẫn có hàng chục tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 chậm, thấp

19-10-2022 08:54 | Y tế

SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc COVID-19, bệnh nhân nặng giảm nhẹ, nhưng mấy ngày gần đây liên tiếp ghi nhận ca tử vong; Bộ Y tế nhắc nhiều lần vẫn có hàng chục tỉnh tiêm vaccine COVID-19 chậm, thấp; F0 phải nhập viện, người cao tuổi, bệnh nền... là những nhóm có nguy cơ cao gặp phải hội chứng COVID-19 kéo dài.

Ca mắc COVID-19, bệnh nhân nặng giảm nhưng liên tiếp có F0 tử vong

Bộ Y tế cho biết ngày 18/10 có 622 ca mắc mới COVID-19, trong ngày có 359 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp tại Bình Thuận tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, Bình Thuận ghi nhận ca tử vong do COVID-19. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.493.894 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.154 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã điều trị khỏi là 10.599.560 ca; trong số 845 nghìn ca trường hợp mắc COVID-19 đang giám sát, theo dõi, số bệnh nhân đang thở oxy là 55 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 44 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca. Con số này giảm 37 ca so với ngày trước đó.

Sáng 19/10: Bộ Y tế nhắc nhiều lần vẫn có hàng chục tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 chậm, thấp - Ảnh 1.

Đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 260,8 triệu liều vaccine COIVD-19; Bộ Y tế nhắc nhiều lần vẫn có hàng chục tỉnh tiêm vaccine COVID-19 chậm, thấp (Ảnh: Trần Minh)

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.157 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Bộ Y tế nhắc nhiều lần vẫn có hàng chục tỉnh tiêm vaccine COVID-19 chậm, thấp

 Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, đến ngày 18/10, cả nước đã tiêm 260.802.292 triệu liều vaccine COVID-19.

Đối với nhóm ttừ 18 tuổi trở lên, kết quả  tiêm mũi 3 với tổng số có 50.946.687 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 78,4%).

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,6%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (61,6%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,7%); Sóc Trăng (97,7%).

Về tiêm mũi 4: Tổng số có 15.695.068 mũi tiêm.

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.196.605 trẻ (đạt tỷ lệ 60,7%).

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,3%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (23,5%); TP. HCM (35,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (29,2%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,3%); Lâm Đồng (91,9%); Sóc Trăng (99,3%).

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 16.769.008, trong đó mũi 1: 9.874.312 trẻ (đạt tỷ lệ 89,1%)

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP Hồ Chí Minh (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)

Về tiêm mũi 2: 6.894.696 trẻ (đạt tỷ lệ 62,2%)

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (94,1%).

Những nhóm có nguy cơ cao gặp phải hội chứng COVID-19 kéo dài gồm F0 phải nhập viện, người cao tuổi, có bệnh nền, nữ giới

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 630,4 triệu ca, trên 6,57 triệu ca tử vong.

Trong khi nhiều bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 kéo dài đến 18 tháng sau khi mắc, các bệnh nhân không triệu chứng dường như không gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Kết luận này được rút ra từ một nghiên cứu quy mô lớn tại Scotland và được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Nghiên cứu nhằm đánh giá sự ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 đối với sức khỏe con người. Nhóm nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vào tháng 5/2021 đối với 33.281 người được xác nhận mắc COVID-19 và gần 63.000 người chưa mắc bệnh. Cả 2 nhóm tham gia trả lời các bảng câu hỏi lúc 6, 12 và 18 tháng sau đó. Kết quả cho thấy 6% số bệnh nhân cảm thấy vẫn còn các triệu chứng bệnh, gần 50% số bệnh nhân cho rằng họ chỉ phục hồi một phần sau 6 - 18 tháng được chẩn đoán mắc bệnh. Trong khi đó, các bệnh nhân không triệu chứng dường như không gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Theo nghiên cứu, những nhóm có nguy cơ cao gặp phải hội chứng COVID-19 kéo dài bao gồm các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, người cao tuổi, nữ giới, người có thu nhập thấp và những người có sẵn bệnh nền. Các triệu chứng dai dẳng thường gặp nhất bao gồm khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, sương mù não và giảm trí nhớ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 dường như giúp ngăn các triệu chứng kéo dài. 

Sáng 18/10: Ca COVID-19 và bệnh nhân nặng tăng; Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóaSáng 18/10: Ca COVID-19 và bệnh nhân nặng tăng; Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa

SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng tăng nhẹ; Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại...

Thái Bình
Ý kiến của bạn