Cả nước hiện chỉ có 42 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Theo Bộ Y tế, ngày 17/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 723 ca nhiễm mới trong nước (giảm 51 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 624 ca trong cộng đồng).
Trong đó, Hà Nội vẫn ghi nhận ca mắc mới nhiều nhất; 45 tỉnh, thành còn lại ghi nhận từ 1-50 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1 nửa các tỉnh, thành chỉ ghi nhận dưới 10 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 730 ca/ngày
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.736.408 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.395 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.728.642 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.660), TP. Hồ Chí Minh (609.775), Nghệ An (485.217), Bắc Giang (387.662), Bình Dương (383.794).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.591.486 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.101.839 trường hợp, trong đó có 42 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 38; (2) Thở ô xy dòng cao HFNC: 1; Không xâm lấn: 1; Xâm lấn: 2. Số ca nặng này chỉ bằng khoảng 1/100-1/120 ca nặng của giai đoạn cao điểm về dịch ở nước ta.
Chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay số mắc COVID-19, ca tử vong vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và số tử vong tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi.
Tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch do tiêm vắc xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững, các biến thể mới, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới.
Tại Việt Nam, số mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số mắc mới mỗi ngày hiện còn khoảng 600 - 700 ca mỗi ngày (thấp nhất gần 12 tháng qua), nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.
Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2... có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới, do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm hoàn thành tiêm mũi 3 cho người cần tiêm và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022. Bộ Y tế thường xuyên ban hành các Công điện gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Các địa phương tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4
Tại TP HCM: Sau lễ phát động đợt cao điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại, Sở Y tế Thành phố TP HCM đã phối hợp với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các sở, ban, ngành tổ chức hàng trăm điểm tiêm cố định và lưu động nhằm tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu tiêm chủng.
Theo đó, ngoài các Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Sở Y tế TP HCM tổ chức thêm điểm tiêm tại các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là những người có bệnh nền. Đến ngày 17/6, đã có 72 bệnh viện đăng ký làm điểm tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thanh Hoá: Ngày 17/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công điện về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể đối tượng cần tiêm nhắc lại lần 1, lần 2 (mũi 3, mũi 4), số trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (bao gồm đối tượng phải tiêm/đã tiêm/chưa tiêm, đối tượng đã mắc COVID-19) trên địa bàn và đăng ký đối tượng tiêm theo địa bàn dân cư.
Từ đó, các địa phương trong tỉnh lập kế hoạch cụ thể từng tháng, từng tuần cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm hoàn thành việc tiêm chủng theo quy định.
Đức dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh đối với công dân ngoài EU: Đức đã nới lỏng tất cả các biện pháp hạn chế nhập cảnh, tạo thuận lợi hơn cho du khách đến từ các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU). Kể từ ngày 11/6, tất cả các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào Đức liên quan đến đại dịch COVID-19 tạm thời được dỡ bỏ đến ít nhất là ngày 31/8.
Mỹ gỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 với người nhập cảnh: Cơ quan chức năng đã gỡ bỏ quy định khách tới Mỹ bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 24 giờ trước khi bay, quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/6.