Nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành Luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi đến Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.
Tại báo cáo này, đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành Luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, Bộ Y tế thông tin, Bộ đang tập trung hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong đó tập trung rà soát, tổng hợp các khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19 có liên quan đến quy định của pháp luật để xem xét, đề xuất, sửa đổi Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong dự án Luật Phòng bệnh;
Các bài học kinh nghiệm và cơ sở triển khai thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2022 để xem xét, cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2022.
Bệnh nhân COVID-19 nặng giảm mạnh, cả nước chỉ còn 206 ca đang điều trị
Theo Bộ Y tế, ngày 17/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.785 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (tăng 237 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.206 ca trong cộng đồng).
Tại Hà Nội, hôm qua là ngày thứ 28 thành phố không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong. Từ nhiều tháng nay, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp thành phố và quận/huyện đã không còn bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vào điều trị. Thủ đô còn hơn 90.000 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi. Trong đó chỉ còn 143 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà.
Do đó, Hà Nội vừa quyết định giải thể các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 2.251 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.699.965 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.108 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.692.210 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.595.957), TP. Hồ Chí Minh (609.009), Nghệ An (483.670), Bắc Giang (386.462), Bình Dương (383.719).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là: 9.364.857 ca. Còn hơn 1,29 triệu người mắc COVID-19 đang theo dõi, điều trị, trong số đó có 206 ca nặng đang điều trị gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 172 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 19 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 11 ca; ECMO: 2 ca. Con số này giảm gần 90 trường hợp so với ngày 16/5.
Bộ Y tế cho biết, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19 kịp thời, đặc biệt là các ổ dịch mới, bất thường (phạm vi, tốc độ lây lan, số mắc, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong, có biến thể mới...) liên quan đến người nhập cảnh.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 523.698.150 ca COVID-19, trong đó có 6.292.140 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 785.910 và 1.347 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 493.608.979 người, 23.797.031 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 38.850 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 82.591 ca; Australia đứng thứ hai với 67.650 ca; tiếp theo là Pháp (43.727 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 167 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 176 ca và Brazil 160 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.402.969 người, trong đó có 1.027.066 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.127.032 ca nhiễm, bao gồm 524.260 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.728.286 ca bệnh và 665.216 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 194,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 151,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99,8 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,2 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương trên 8 triệu ca nhiễm.