Đến 6h sáng ngày 18/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 64 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
- Hà Nội 61 ngày và Hải Phòng 54 ngày, Hải Dương đã 24 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Số ca mắc COVID-19 của thế giới
- Cả thế giới có 141.264.686 ca mắc, trong đó 119.879.311 ca đã khỏi bệnh; 3.022.247 ca tử vong và 18.363.126 ca điều trị (106.751 ca diễn biến nặng)
- Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 633.855 ca, tử vong tăng 7.508 ca.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.443, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 529
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.660
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.254.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.475 /2.781
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 45 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 11 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 16 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống COVID-19 vừa diễn ra, ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam đang rất căng thẳng, trong bối cảnh số ca mắc tại các nước láng giềng … tăng mạnh.
Thời gian qua, việc kiểm soát các ca nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, trên biển không dễ dàng.
Ông Phúc dẫn chứng, Kiên Giang có 56km biên giới đường bộ, hơn 200km đường bờ biển, hàng ngày có hàng ngàn tàu cá, tàu chở dầu, chở nhu yếu phẩm của các nước cùng hoạt động nên việc kiểm soát xuất nhập cảnh trên bộ và trên biển rất khó khăn. Riêng từ ngày 20/2 đến nay, có 1.262 người về nước từ các nước giáp biên giới (cả hợp pháp và trái phép), trong đó đã có 36 ca dương tính, 8 ca nghi ngờ.
Hiện tại, tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 khi nhập cảnh đều được chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Hà Tiên điều trị. Tuy nhiên Trung tâm này rất bé, chỉ điều trị được khoảng 30 bệnh nhân, nâng cấp tối đa cũng chỉ lên được 50 giường.
Trước tình hình trên, Kiên Giang kiến nghị Bộ Y tế sớm xem xét cho địa phương trình Thủ tướng thành lập bệnh viện dã chiến.
“Thông thường, bệnh viện dã chiến được thiết lập khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh, nhưng với Kiên Giang, bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân từ biên giới về. Chúng tôi nhận định, bệnh viện này có thể tồn tại trong 1-2 năm tới cho đến khi dịch tại Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á kiểm soát được”- ông Phúc lý giải.
Lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang cho biết thêm, không thể sử dụng Trung tâm Y tế Hà Tiên thành bệnh viện dã chiến, vì kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân.