Ca COVID-19 và bệnh nhân nặng tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 17/10 có 673 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn gấp đôi so với ngày trước đó. Sau vài ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân tử vong, ngày 17/10 đã ghi nhận 2 trường hợp tại Bình Thuận và Tây Ninh tử vong, nâng số tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 1 ca/ ngày
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.493.271 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.148 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.599.201 ca; Trong số hơn 845 nghìn người mắc COVID-19 đang giám sát, theo dõi, số bệnh nhân đang thở oxy là 92 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 69 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 7 ca; Thở máy xâm lấn: 16 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng gấp khoảng 1,5 lần so với nhiều ngày trước đó. Đây cũng số bệnh nhân nặng phải thở oxy cao nhất kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine
Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh cùng với dịch COVID-19, hiện đang có một số bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, adenovirus…) và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác (đã ghi nhận 1 ca bệnh đầu mùa khỉ xâm nhập từ nước ngoài).
Do đó, hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" với thông điệp "Thực hiện - 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đến ngày 17/10 là hơn 630 triệu ca, trên 6,57 triệu ca tử vong và 14,2 triệu ca đang điều trị (trong đó hơn 38.519 ca diễn biến nặng).
Tính đến ngày 3/10, Canada ghi nhận 5.070 ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, cao hơn gấp đôi so với con số cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, 18.478 ca mắc mới COVID-19 đã được báo cáo trên toàn quốc trong tuần từ ngày 25/9 - 1/10.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên diện rộng, các làn sóng lây nhiễm trước đó và các loại vaccine được cập nhật để ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa nhiều người Canada có khả năng miễn dịch cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá trong cuộc chiến chống COVID-19, Canada đang ở trạng thái bấp bênh hơn, trong bối cảnh nhân lực ngành y tế thiếu hụt nghiêm trọng.
Đáng chú ý, các đợt bùng phát dịch COVID-19 cũng như các bệnh đường hô hấp theo mùa được dự báo sẽ quay lại trong mùa Đông này, khi các biện pháp phòng ngừa về sức khỏe cộng đồng không còn là quy định bắt buộc.