Ca COVID-19 tăng, hàng loạt biến thể phụ lây lan nhanh xuất hiện
Bộ Y tế cho biết ngày 16/8 có 2.983 ca COVID-19, cao nhất trong 96 ngày qua; Trong ngày có hơn 5.200 bệnh nhân khỏi; 2 trường hợp tại Điện Biên và Quảng Ninh tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua, cả nước có 14.490 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ngày đỉnh điểm số ca mắc lên đến gần 3.000, cao nhất trong hơn 3 tháng qua ở nước ta.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.370.462 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.631 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.035.040 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 99 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 90 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh.
Số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
98,5% xã, phường thuộc vùng xanh
Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế ngày 15/8 cho biết dù số ca mắc COVID-19 mới có tăng trong tuần vừa qua, (trung bình khoảng 2.000 ca/ ngày) nhưng hiện cơ bản gần cả nước đã là vùng xanh.
Cụ thể, trong số trên 10.600 xã phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có đến 9.622 xã, phường ( tương đương 90,7%) là vùng xanh, 831 xã, phường là vùng vàng (tương đương 7,8%); số xã vùng cam, đỏ hiện chỉ chiếm 1,5%- tương đương 151 xã phường.
Đáng chú ý, hiện toàn quốc có tới 53 tỉnh thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp).
42 triệu người có hộ chiếu vaccine
Theo Cục Công nghệ thông tin, sau gần 4 tháng triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine, đến nay cả nước mới có khoảng 42 triệu người có hộ chiếu vaccine. Theo đánh giá tiến độ cấp hộ chiếu vaccine không như kỳ vọng ban đầu (dù trước đó, Bộ Y tế đã nhiều lần có hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, các điểm tiêm chủng phải khẩn trương triển khai việc này- PV).
Về nguyên nhân các chuyên gia cho rằng do thông tin của người dân khai báo khi đi tiêm trước đây không chính xác, đặc biệt là trong các khoảng thời gian đỉnh điểm, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước dẫn tới việc khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối sánh thông tin thực hiện quy trình cấp hộ chiếu vaccine sẽ không thực hiện được do sai thông tin.
Nhân viên y tế phải phối hợp với tổ công tác đề án 06 và công an địa phương thực hiện xác minh lại rất khó khăn.
Ngoài ra, một số địa phương còn chậm trễ ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai cấp Hộ chiếu vaccine theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 596,2 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên toàn cầu, vẫn còn nhiều người dân thuộc nhóm nguy cơ cao nhất chưa được tiêm phòng vaccine và dẫn đến tử vong. Điều quan trọng là phải duy trì động lực tiêm vaccine trong cộng đồng như ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội.
Tháng 7/2022, WHO đã đưa ra Chiến lược mới về vaccine phòng COVID-19 với 4 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất, mỗi quốc gia phấn đấu 100% nhân viên y tế, 100% người dân trên 60 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm liều nhắc lại;
Thứ hai, mỗi quốc gia phấn đấu tạo miễn dịch cộng đồng với 70% dân số có miễn dịch;
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm vaccine mới hoặc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 với các thuộc tính mới như tăng thời gian tác dụng, tăng phạm vi bảo vệ, có tác dụng giảm lây lan;
Thứ tư, vaccine có chất lượng được cung cấp đến tất cả các quốc gia.
Chiến lược còn nêu rõ các nguyên tắc về đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine giữa các quốc gia, đảm bảo vaccine có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, không làm suy yếu các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khác mà phải tăng cường công tác trên cũng như các chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm.