Hôm nay, Hà Nội đồng loạt tiêm vaccine phòng COVID-19 Moderna cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi
Để phục vụ công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Hà Nội đã nhận được 72.700 liều vaccine Moderna từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW phân bổ và khi nhận được đã ngay lập tức thực hiện phân bổ cho các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Ngày 16/4, Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố. Có 3 quận huyện đầu tiên triển khai tiêm là quận Hà Đông, huyện Phú Xuyên và huyện Sóc Sơn. Từ ngày 17/4, Hà Nội đồng loạt tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này.
Theo kế hoạch tiêm chủng, Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi. Bà Trần Thị Nhị Hà- Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho hay, dự kiến đợt tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày.
Ngành Y tế Thủ đô đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến Thành phố để tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng. Đồng thời Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực Nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng lần này.
Hơn 10.000 học sinh từ 5 - dưới 12 tuổi tại TP.HCM đã tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo Sở Y tế TP HCM, trong ngày đầu tiên TP HCM đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 10.000 trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.
Trong ngày đầu tiên tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, TP HCM bố trí 96 điểm tiêm tại trường học tại 19 quận huyện.
Theo kế hoạch của Sở Y tế TP HCM, ngày 18/4, tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ đồng loạt tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi theo nguyên tắc tiêm theo lứa tuổi giảm dần và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.
Các học sinh cần tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Mũi 1 bắt đầu từ ngày 16/4 đến ngày 30/4, trong đó 2 ngày cuối tiêm vét.
Mũi 2 dự kiến tiêm cho trẻ trong vòng 14 ngày như mũi 1, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Loại vaccie sử dụng cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna.
3 địa phương đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; ngày 18/4, các tỉnh, thành còn lại bắt đầu tiêm
Như vậy đến nay đã có 3 địa phương tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là Quảng Ninh, TP HCM và Hà Nội. Từ ngày 18/4, các tỉnh, thành phố khác sẽ tiến hành tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng có khoảng hơn 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên trong đợt này có 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 sẽ tiêm. Với 3,6 trẻ còn lại đã mắc COVID-19 dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 -8/2022.
Vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là Moderna và Pfizer. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã tập huấn trên toàn tuyến về công tác tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi này. Trước khi tiêm trẻ được khám sàng lọc cẩn thận, kỹ lưỡng, tất cả vì mục tiêu đảm bảo "tiêm đến đâu, an toàn đến đó".
Hậu COVID-19: Người đàn ông ở Hà Nội phát hiện ngừng thở khi ngủ
Nam bệnh nhân ở Hà Nội mắc chứng ngừng thở khi ngủ mức độ nặng, cơn ngừng thở lâu nhất kéo dài 70 giây.
Đó là trường hợp của anh N.X.A (41 tuổi). Cách đây 3 tuần, gia đình anh X.A mắc COVID-19 nên mua máy đo SpO2 để theo dõi tại nhà. Tuy nhiên anh X.A được phát hiện khi ngủ thường xuyên có những cơn tụt oxy máu xuống rất thấp. Người nhà quan sát thấy có khi chỉ số chỉ còn dưới 70%.
Sợ di chứng tim, phổi do COVID-19, anh X.A đến khám tại Trung tâm hô hấp- BV Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ khai thác thấy bệnh nhân có các triệu chứng như ngủ ngáy, đau đầu, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung công việc từ rất lâu nhưng chưa được phát hiện và chẩn đoán bệnh.
Các bác sĩ đã chỉ định cho anh X.A đo đa kí giấc ngủ. Kết quả đo cho thấy, bệnh nhân mắc chứng ngừng thở khi ngủ mức độ nặng, cơn ngừng thở dài nhất kéo dài 70 giây và SpO2 thấp nhất là gần 50%. Ngay lập tức bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng phương pháp thở máy CPAP. Bước đầu cho thấy đáp ứng tốt, bệnh nhân đỡ buồn ngủ, tỉnh táo trong ngày hôm sau.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, ngừng thở khi ngủ (OSA) là một bệnh lí thường gặp hiện nay, tuy nhiên bệnh lại ít được biết đến và quan tâm trong cộng đồng mặc dù có thể có các biến chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong.
Ngừng thở khi ngủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thởi có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não… từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và đột tử. Hiện nay tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ là đo đa kí hô hấp và đa kí giấc ngủ.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ ngừng thở khi ngủ như ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày, đau đầu sau khi thức dậy người dân cần đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Số ca mắc COVID-19 cộng đồng trung bình 19.000 ca/ngày
Thống kê của Bộ Y tế ngày 16/4 cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống còn 18.474. Đây là ngày có số ca mắc thấp nhất trong 70 ngày qua ở nước ta, tính từ ngày 6/2.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.417.887 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.358 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.410.140 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.532.405), TP. Hồ Chí Minh (606.199), Nghệ An (475.228), Bình Dương (382.552), Bắc Giang (379.817).
Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh đến nay là: 8.931.374 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.191 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 925 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 87 ca; Thở máy không xâm lấn: 32 ca; Thở máy xâm lấn: 144 ca; ECMO: 3 ca.
Theo Bộ Y tế tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc cộng đồng trung bình 19.000 ca/ngày và tử vong trung bình 25 ca/ngày trong 7 ngày qua, riêng ngày 16/4, số ca tử vong là 10 trường hợp, thấp nhất hơn nửa năm qua.