Bệnh nhân nặng, ca tử vong do COVID-19 tăng cao nhất trong vài tháng nay
Bộ Y tế cho biết ngày 15/9 có 2.963 ca COVID-19 mới, tuy nhiên số khỏi bệnh nhiều gấp gần 20 lần với 55.183 trường hợp. Trong ngày có 5 bệnh nhân tử vong - đây cũng là ngày có số ca bệnh tử vong nhiều nhất trong khoảng vài tháng gần đây.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.450.999 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.721 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi đến nay là: 10.448.813 ca. Hiện còn giám sát hơn 959.000 trường hợp, trong đó có 184 trường hợp nặng đang điều trị, giám sát gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 163 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 14 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.137 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Chủ động các phương án, kịch bản chống dịch, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19
Theo Bộ Y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình gần 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biển chủng gốc.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, tỷ lệ tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỷ lệ tiêm chủng vaccine nhất là cho trẻ em còn thấp, trong khi Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.
Do đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Tiếp tục bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" theo thông điệp "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác";
WHO kêu gọi các quốc gia tập trung bao phủ 100% vaccine COVID-19 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 615,6 triệu ca, trên 6,52 triệu ca tử vong.
Ngày 14/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia nên nắm bắt cơ hội này để chấm dứt đại dịch, duy trì nỗ lực và tận dụng những công cụ sẵn có như vaccine, thuốc điều trị để ngăn chặn sự lây lan, tử vong một cách chủ động ngay cả khi có sự xuất hiện của các biến thể mới và làn sóng lây nhiễm trong tương lai.
Cùng ngày, WHO đã công bố 6 bản tóm tắt chính sách về các hành động mà các quốc gia có thể áp dụng nhằm đối phó với COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, WHO kêu gọi các quốc gia tập trung bao phủ 100% vaccine cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và người lớn tuổi, coi đó là ưu tiên cao nhất trên lộ trình đạt tỷ lệ bao phủ vaccine 70%; tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2, đồng thời tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm với các dịch vụ về các bệnh đường hô hấp khác, bao gồm cả bệnh cúm.