Tổng ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước ta là 407 ca
Bộ Y tế cho biết ngày 14/1 chỉ ghi nhận 29 ca mắc COVID-19, giảm hơn 20 ca so với ngày trước đó; trong ngày có 40 bệnh nhân khỏi.
Tổng số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước ta là 407 ca, trong đó ngày cao nhất là 88 ca, ngày thấp nhất là 29 ca. Trung bình số mắc mỗi ngày gần 60 ca, thấp hơn tuần đầu tiên của năm 2023.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.118 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.480 ca nhiễm).
Đến ngày 14/1 là tròn 2 tuần Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Nguy cơ biến thể phụ XBB.1.5 xâm nhập nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn tiêm vaccine COVID-19 chậm
Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số mũi tiêm vaccine COVID-19 ở nước ta tình đến ngày 14/1 là 265.883.834
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.796.846 mũi tiêm (80,5%) tăng 0,1%.
- 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,9%); Bình Định (62,4%); Phú Yên (62,4%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60,7%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.412.690 mũi tiêm (87,3%) tăng 0,1%
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.807.995 mũi tiêm (68,8%) tăng 0,2%
- 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.466.925 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.245.223 mũi tiêm (92,6%)
- Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,5%); TP HCM (64,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (73,3%)
- Mũi 2: 8.221.702 mũi tiêm (74,3%)
- Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,1%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (40,9%), Bà Rịa -Vũng Tàu (44,9%).
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn iếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Cần quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch,...trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, lưu ý ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 671 triệu ca, trên 6,7 triệu ca tử vong. Trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận 2,674,928 ca mắc mới (giảm 14% so với 7 ngày trước), có 13,237 ca tử vong (giảm 6%).
Kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn công bố ngày 12/1 tại Israel cho thấy hầu hết các triệu chứng của COVID kéo dài (Long COVID) sẽ hết trong vòng 1 năm đối với những trường hợp mắc COVID-19 mức độ nhẹ.
Các nhà nghiên cứu ở Israel đã phân tích hồ sơ y tế của gần 2 triệu người thuộc mọi lứa tuổi đã xét nghiệm COVID-19 ở nước này từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021. Do đó, kết quả bao gồm các biến thể của virus SARS-CoV-2 lưu hành trước đó, trong đó có biến thể Delta, nhưng không bao gồm các dòng phụ của biến thể Omicron được phát hiện gần đây.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ cũng phát hiện rằng những người mắc COVID-19 đã tiêm phòng có nguy cơ mắc các triệu chứng về hô hấp - triệu chứng phổ biến nhất - thấp hơn so với những trường hợp không tiêm phòng. Trong khi đó, trẻ em gặp ít vấn đề về sức khỏe hơn người lớn và hầu hết đều phục hồi tốt trong vòng 1 năm.