Thông tin từ Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, cấy ốc tai điện tử đã trở thành một phẫu thuật thường quy tại khoa. Kể từ ca mổ cấy ốc tai điện tử đầu tiên, đến nay, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện được hơn 100 ca cấy ốc tai điện tử. Đây là bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc cấy ốc tai điện tử hoàn toàn do bác sĩ của bệnh viện thực hiện.
Ca bệnh thứ 115 tại Đại học Y Hà Nội là một em gái nhỏ mới 5 tuổi. Đó là bệnh nhi Chúc Minh Tâm, ở Tân Yên, Bắc Giang. Theo hồ sơ, trước đó mẹ bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm rubella ở tháng thứ 2 của thai kỳ, mặc dù bé được sinh ra đủ ngày tháng nhưng không may mắc phải bệnh điếc bẩm sinh. Từ năm 1 tuổi đến nay bệnh nhi đã đeo máy trợ thính nhưng không hỗ trợ được nhiều, ngôn ngữ của bệnh nhân không phát triển tương ứng với tuổi. Gia đình đã quyết định cho bé cấy ốc tai điện tử. Ca phẫu thuật do PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện.
Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (suckhoedoisong.vn) sẽ truyền hình trực tuyến ca mổ này vào thứ Tư, ngày 14/12/2016. Chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh youtube và fanpage của Báo Sức khỏe&Đời sống. Mời các bạn đón xem.
Cấy ốc tai điện tử là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao, trong đó người bệnh sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bắt đầu cấy ốc tai điện tử từ đầu năm 2010 với sự hỗ trợ của hãng ốc tai điện tử Med-El. Từ năm 2013 đến nay bệnh viện không phải mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, do bác sĩ của bệnh viện đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này. Trong suốt 6 năm qua, bệnh viện đã phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trên 100 trường hợp và chưa xảy ra tai biến gì.
Bệnh nhi sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ phải trải qua thời gian học phục hồi chức năng nghe nói, tỷ lệ nghe nói của trẻ sau cấy ốc tai điện tử là 100%. Trẻ sau cấy ốc tai có thể tái hòa nhập cộng đồng và đi học bình thường như những đứa trẻ khác, giúp chúng có cơ hội phát triển như những trẻ bình thường. Cấy ốc tai điện tử đã và đang đem lại cho các bệnh nhi bị điếc bẩm sinh cơ hội được nghe rõ, giảm một phần tỷ lệ trẻ bị tàn tật, giảm gánh nặng cho xã hội, đem lại cuộc đời mới cho người bệnh và gia đình của họ.
Tuy nhiên, mỗi ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử có chi phí rất cao, đặc biệt là giá thành của thiết bị. Mỗi ốc tai điện tử có giá hàng chục nghìn đô tùy loại, trong khi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử hiện không được bảo hiểm xã hội chia trả, nên nhiều gia đình không có đủ điều kiện kinh tế để phẫu thuật cho con. Đây chính là trở ngại lớn nhất khiến hàng nghìn trẻ em bị điếc ở Việt Nam không có cơ hội hòa nhập cộng đồng cộng đồng và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác. Trong khi Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ cho những trẻ tàn tật do điếc bẩm sinh, một Chương trình “Trao âm thanh – Tặng cuộc sống” mà Đại học Y Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện, mong đợi cộng đồng, các nhà hảo tâm đóng góp để tạo quỹ hỗ trợ cho các bệnh nhi bị điếc bẩm sinh.