Tính từ 18h ngày 12/3 đến 6h ngày 13/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.550 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1592 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 899 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 715 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca)
10 tỉnh, thành phố đã qua 29 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 25 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 18 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắc xin.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 545.249 ca tử vong trong tổng số 29.985.912 ca nhiễm (59.274 ca mới trong 1 ngày qua). Tiếp đó là Brazil với 275.105 ca tử vong trong tổng số 11.363.380 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 3 với tổng số 11.333.484 ca nhiễm, trong đó 158.483 ca tử vong.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.606, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 503
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.049
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.054.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.086 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 48 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 48 ca, số ca âm tính lần 3 là 91 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, bệnh nhân đã dừng ECMO 16 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.
Bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định.
Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.
Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe doạ tính mạng...
Dù vậy bệnh nhân đã tự ăn gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa (qua ống thông), có hỗ trợ truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch 20%.
BN1536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đồng thời bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
- Khẩu trang
-Khử khuẩn
-Khoảng cách
-Không tụ tập
- Khai báo y tế