Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.413.051 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.332 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.407.655 ca, trong đó có 1.051.903 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 487.259), Bình Dương (287.252), Đồng Nai (92.246), Long An (39.240), Tây Ninh (38.696).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.054.720 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.596 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.237 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.273 ca; Thở máy không xâm lấn: 126 ca; Thở máy xâm lấn: 942 ca; ECMO: 18 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua là 226 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.839 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.871.982 mẫu cho 71.322.461 lượt người.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 132.266.442 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.832.161 liều, tiêm mũi 2 là 57.434.281 liều.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 417.000 ca mắc COVID-19 và trên 3.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 270 triệu ca, trong đó trên 5,32 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (48.854 ca), Pháp (43.848 ca) và Mỹ (trên 38.000 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.132 ca), Ukraine (238 ca) và Mexico (235 ca).
Trong bối cảnh danh sách các nước phát hiện những trường hợp nhiễm biến thể Omicron tiếp tục dài thêm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi của Nam Phi, ông Willem Hanekom, cũng cho rằng biến thể Omicron gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với các biến thể như Delta và Beta, dù tốc độ lây lan của biến thể này rất nhanh.
Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia, trong đó tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi, nơi chủng Delta ít phổ biến hơn, và tại Anh, nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19.
Bác sĩ can thiệp khẩn cấp, hồi sinh sự sống trong đêm cho cụ ông mắc COVID-19, nhồi máu cơ tim
Chỉ trong 15 phút, các bác sĩ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương đã tái thông mạch máu thành công, sinh hiệu bệnh nhân cải thiện ngoạn mục dù trước đó nhịp tim chỉ còn 30/lần phút, mạch đã rời rạc.
Bệnh nhân là ông L.H.T. (sinh năm 1949), được chuyển từ Bệnh viện Segaero Long An lên Bệnh viện Điều trị COIVD-19 Trưng Vương (TP HCM) vào khuya 11/12 với chẩn đoán nhồi máu cơ tim, choáng tim, nhịp chậm bộ nối... trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu não cũ; test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính.
Sau khi được can thiệp khẩn cấp trong đêm, bệnh nhân đã ổn định. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt với người nhà (cũng là bệnh nhân COVID-19 có yếu tố nguy cơ được nhập viện cùng), tiếp tục được theo dõi, điều trị COVID-19 tại Khoa Tim mạch của Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương.
Bình Dương triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân năm 2022
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân năm 2022.
Theo đó, đối tượng tiêm chủng là toàn dân Bình Dương trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất được tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại của vaccine phòng COIVD-19, trong đó ưu tiên tiêm cho người chưa tiêm mũi 1, mũi 2.
Chiến dịch được triển khai ngay khi tiếp nhận vaccine đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vaccine phòng COIVD-19 của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vaccine (nhập khẩu và sản xuất trong nước) cho tỉnh Bình Dương.
Tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng cố định tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19. Mỗi bàn tiêm tổ chức tiêm từ 400 người /ngày trở lên. Số lượng tiêm có thể tăng khi tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng số bàn tiêm tại mỗi điểm tiêm.
Bên cạnh đó, thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như thực hiện tiêm cho học sinh tại các trường học, tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp hoặc ở khu vực thành phố với đối tượng cần tiêm lớn, đông dân cư nhưng các điểm tiêm cố định trên địa bàn không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng một thời điểm. Điểm tiêm chủng lưu động có thể ở các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhà văn hóa...; có thể thiết lập nhiều bàn tiêm tại điểm tiêm chủng lưu động.
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo chất lượng, an toàn, kịp tiến độ, phải đảm bảo số lượng nhân lực cần thiết để triển khai một điểm tiêm chủng là 03 nhân viên y tế và 03 cán bộ hỗ trợ.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 287.252 ca mắc COVID-19 (qua xét nghiệm RT-PCR), 2.921 bệnh nhân tử vong.
Các cơ sở điều trị toàn tỉnh đang điều trị: 2.232 bệnh nhân (tầng 1: 1.064 bệnh nhân, tầng 2: 812 bệnh nhân và tầng 3: 356 bệnh nhân).
Đến nay, tỉnh đã tiêm 4.309.130 liều/5.054.180 liều vaccine phòng COVID-19 được phân bổ (2.464.232 liều mũi 1 và 1.844.898 liều mũi 2). Đã tiêm được 256.706 liều vaccine phòng cho COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 162 Trạm y tế lưu động (gồm 99 Trạm y tế lưu động tại các xã, phường thị trấn; 43 Trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp; 20 Tổ lưu động của Quân Y).
Bến Tre số F0 cao nhất miền Tây, các tỉnh khác ca cộng đồng không giảm trong ngày qua
Bến Tre ghi nhận thêm 803 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ngày 12/12, trong đó có 782 ca cộng đồng. Trong ngày tử vong 3 ca, số ca tử vong cộng dồn 87.
Đồng Tháp có số ca mắc COVID-19 cao với 745 người, trong đó có 292 ca cộng đồng. Trong ngày thêm 8 ca tử vong nâng số ca tử vong lên 355.
TP Cần Thơ có thêm 669 ca mắc mới COVID-19 và 7 ca tử vong. Tính từ ngày 8/7 đến nay, Cần Thơ đã có 37.578 ca mắc COVID-19, trong đó có 20.224 ca khỏi bệnh và 312 ca tử vong.
Tại Cà Mau trong số 675 ca có đến 437 ca cộng đồng. Tính đến ngày 12/12, Cà Mau đã ghi nhận 16.405 ca COVID-19; hiện đang điều trị 8.166 ca, tử vong 70 ca.
Sóc Trăng có thêm 594 ca mắc mới nhưng có đến 732 ca khỏi bệnh, 7 ca tử vong. Đến nay tỉnh đã có 24.842 ca mắc, trong đó có 18.738 ca khỏi bệnh, 167 ca tử vong.
Vĩnh Long ghi nhận 584 ca mắc COVID-19, trong đó 316 ca cộng đồng; trong ngày thêm 6 ca tử vong nâng số ca tử vong lên 157.
Bạc Liêu có 563 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó 275 ca cộng đồng. Số ca tử vong trong ngày 6, nâng số tử vong lên 165 trường hợp.
Trà Vinh ghi nhận 475 ca mắc COVID-19, trong đó 416 ca cộng đồng. Trong ngày thêm 3 trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong lên 72.
An Giang ghi nhận 422 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 336 ca cộng đồng. Trong ngày có 25 trường hợp tử vong, lũy kế bệnh nhân tử vong là 619 ca.
Tiền Giang có 367 ca F0, trong đó 21 ca cộng đồng, 346 ca trong khu cách ly, trong ngày thêm 17 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 672.
Kiên Giang phát hiện 328 F0, trong đó 174 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 24.619, ca điều trị khỏi 21.143.