Thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng mới của COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ngày 11/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.758 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 96 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 1.921 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.075 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.683.972 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.962 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.676.220 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.593.147), TP. Hồ Chí Minh (608.799), Nghệ An (483.023), Bắc Giang (385.964), Bình Dương (383.572).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.327.523 ca. Hiện đang điều trị, giám sát 1.313.391 trường hợp, trong đó có 365 trường hợp nặng đang điều trị gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 278 Thở ô xy dòng cao HFNC: 41; Thở máy không xâm lấn: 17; Thở máy xâm lấn: 27; Thở ECMO: 2.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 2 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.060 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tổ chức Y tế thế giới cho biết biến thể phụ BA.2 của Omicron đang phổ biến trên thế giới và số ca mắc COVID-19 đang gia tăng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron cũng đẩy số ca mắc tại Nam Phi tăng cao.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng .
Việt Nam tăng cấp độ giám sát bệnh viêm gan 'bí ẩn' ở trẻ em
Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới xác định 348 trường hợp viêm gan không rõ nguồn gốc, khi nghiên cứu về khả năng liên quan đến adenovirus và COVID-19 đang được tiến hành. Các ca mắc viêm gan đã được báo cáo tại 20 quốc gia, trong khi 70 trường hợp từ 13 quốc gia đang chờ xét nghiệm.
Đến nay mới chỉ có 6 quốc gia báo cáo trên 5 ca bệnh, nhưng riêng ở Anh có hơn 160 trường hợp. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu vai trò của COVID-19, theo hướng đồng lây nhiễm hoặc từng mắc bệnh.
Các xét nghiệm trong tuần qua xác nhận khoảng 70% số ca mắc dương tính với adenovirus, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột. Các xét nghiệm cũng cho thấy khoảng 18 trường hợp có kết quả dương tính với COVID-19.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Viện đầu ngành, các bệnh viện, ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, trong đó thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.
Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus.
Dự kiến khoảng hơn 1,87 triệu người ở TP HCM thuộc đối tượng tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM đã có tờ trình gửi UBND TP về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân trên địa bàn Thành phố.
Việc này nhằm đảm bảo tỉ lệ bao phủ vaccine, tạo miễn dịch bền vững phòng bệnh COVID-19; đồng thời đưa ra yêu cầu việc tổ chức tiêm phải an toàn, chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dự thảo kế hoạch đưa ra có 3 nhóm người được tiêm mũi 4 gồm:
- Người từ 50 tuổi trở lên với số lượng dự kiến là 1.874.121 người (số liệu do UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cung cấp, cập nhật đến ngày 9-5).
- Người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng
- Người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).
Dự kiến có hơn 1,87 triệu người thuộc các đối tượng trên.
Đối với người lao động, làm việc tại đơn vị hoặc đối với người đang điều trị nội trú tại đơn vị (kể cả người có địa chỉ cư trú tại tỉnh thành khác đang điều trị tại cơ sở y tế) sẽ được tiêm tại bệnh viện, cơ sở tiêm chủng.
Bên cạnh đó còn tổ chức tiêm tại điểm tiêm lưu động trên địa bàn theo quyết định của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. Với các trường hợp di chuyển khó khăn, không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được tiêm tại nhà.
Thời gian triển khai dự kiến bắt đầu ngay khi Bộ Y tế cung ứng vaccine theo nguyên tắc đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Phạm vi triển khai trên toàn địa bàn TP HCM.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 533.000 ca mắc COVID-19 và 1.313 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 518,9 triệu ca, trong đó trên 6,28 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (93.102 ca), Australia (57.088 ca) và Mỹ (52.706 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (227 ca), Italy (115 ca) và Mỹ (108 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Thứ ba là Brazil với trên 30,6 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/5 đã thông qua 3 quyết định xác nhận rằng chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 do Việt Nam, Indonesia và Seychelles cấp tương đương với chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU).
Do đó, ba quốc gia này sẽ được kết nối với hệ thống của EU và EU sẽ chấp nhận chứng chỉ COVID-19 của các nước này với các điều kiện tương tự như chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19. Số quốc gia và vùng lãnh thổ kết nối với hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số của EU được tăng lên 67.