Ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ngày thứ 2 liên tiếp
Bộ Y tế cho biết, ngày 11/10 ghi nhận 1.226 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày tăng trở lại thứ 2 liên tiếp sau nhiều ngày số mắc giảm kể từ đầu tháng 10. Đồng thời trong ngày ghi nhận thêm 1 ca tử vong tại Hải Phòng sau vài ngày không ghi nhận trường hợp nào.
Tính đến ngày 11/10, Việt Nam đã thống kê gần 11,5 triệu ca nhiễm COVID-19 tính từ đầu vụ dịch, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.102 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.597.136 ca, trong số hơn 844 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 63 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 58 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca. Số bệnh nhân nặng từ đầu tháng 10 đến nay thường xuyên dao động ở mức từ hơn 50 ca- hơn 70 ca/ ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.154 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Đồng thời tiếp tục bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị...
Bộ Y tế và các đơn vị chuyên môn tiếp tục phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là với các biến thể mới.
Thêm 134 thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam
Trong danh sách 134 thuốc, có nhiều loại thuốc thải sắt; thuốc làm chậm hoặc ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư và giảm kích thước khối u vú, trực tràng...; thuốc đặc trị mỡ máu cao; thuốc trị bệnh bạch hầu thanh quản, hen phế quản...
Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị cung cấp thuốc vào Việt Nam theo đúng các hồ sơ tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc.
Đông thời, chấp hành đầy đủ pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam và các quy định của Bộ Y tế về nhập khẩu thuốc và lưu hành thuốc tại Việt Nam, nếu có bất cứ thay đổi gì trong quá trình lưu hành thuốc ở nước sở tại và ở Việt Nam thì phải báo cáo ngay cho Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế Việt Nam.
Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã có nhiều đợt ban hành danh mục thuốc nước ngoài được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam
9 tháng đầu năm tỷ số giới tính khi sinh của TP Hà Nội là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái
Kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10), Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: "Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", với mong muốn gạt bỏ quan niệm "trọng nam, khinh nữ", khẳng định nhiều gia đình sinh con một bề là gái vẫn có cuộc sống hạnh phúc.
Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động rộng khắp trên địa bàn thành phố. Các quận, huyện: Thanh Oai, Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì… tổ chức hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu. Còn các địa phương: Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hoàn Kiếm… tổ chức các điểm truyền thông hưởng ứng.
Theo Báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh của của TP Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019.
Chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái, theo số liệu 9 tháng năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của TP là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm.
Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nhưng nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời trong công tác tuyên truyền thì việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.
Trên toàn thành phố Hà Nội có rất nhiều các tấm gương bé gái chăm ngoan, học giỏi; nhiều gia đình đã, đang và vẫn sẽ thực hiện tốt chính sách dân số. Hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục biểu dương những tấm gương bé gái chăm ngoan, học giỏi, nhằm lan tỏa thông điệp: Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh