Biến thể BA.5 dần chiếm ưu thế, đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4, tiêm cho trẻ
Bộ Y tế cho biết ngày 10/8 có 2.010 ca COVID-19 mới giảm hơn 300 ca so với ngày trước đó; Trong ngày có gần 5.300 bệnh nhân khỏi. Sau nhiều ngày liên tiếp không có bệnh nhân COVID-19 tử vong thì ngày 10/8 đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Tây Ninh.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.353.573 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.477 ca nhiễm).
Đến nay tổng số ca COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.997.136 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi và điều trị có 78 ca đang thở ô xy là 78 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 68 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca.
Tại TP HCM, nếu như vào ngày 12/7, TP có 26 ca điều trị tại bệnh viện, 15 ca nặng điều trị ở tầng 3 thì đến ngày 8/8 con số này tăng lần lượt là 163 ca điều trị ở bệnh viện, 38 ca nặng điều trị ở tầng 3.
Theo Sở Y tế TP HCM, tương ứng với số ca mắc COVID-19 mới tăng, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng. Trung bình có 35 ca nặng/ngày trong một tuần qua, con số ngày so với tuần trước đó là 18 ca/ngày. Hiện có 7 ca thở máy, không có ca nào chạy ECMO.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, nhất là các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế (tại TP HCM, kết quả giải trình tự gene virus mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ghi nhận biến chủng BA.5 chiếm ưu thế với 80% số bệnh nhân COVID-19, còn lại là các biến chủng khác của Omicron); tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Danh mục trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định danh mục trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách. Theo đó danh mục trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/ 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế gồm:
2. Hóa chất (sinh phẩm) chạy máy PCR xét nghiệm SARS-CoV-2.
3. Test kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên/ kháng thể kháng SARS-CoV-2
4. Máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập , máy thở không xâm nhập, máy oxy dòng cao, máy thở xách tay.
5. Máy lọc máu liên tục.
6. Máy X-Quang di động.
7. Máy đo khí máu (đo được điện giải, lactat, hematocrite).
8. Máy theo dõi bệnh nhân ≥ 5 thông số.
9. Bơm tiêm điện; Bơm truyền dịch.
10. Máy phá rung tim có tạo nhịp.
11. Máy đo thời gian đông máu.
12. Máy đo huyết động.
Cũng tại Thông tư này, Bộ Y tế bổ sung mẫu giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế thuộc loại C, D phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách.
Các hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã được Bộ Y tế tiếp nhận trước ngày 1/1/2022 được tiếp tục giải quyết theo quy định của Thông tư số 13/2021/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách.
Thông tư mới này thay thế Thông tư 13 kể từ ngày 1/8
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 591,5 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Nhiều nước đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 khi số ca nhiễm gia tăng thời gian gần đây, số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày trên toàn thế giới đạt 1,11 triệu ca vào ngày 24/7, cao nhất tình từ ngày 10/4/2022.
Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày tại châu Âu đã tăng hơn 3 lần lên 456 nghìn ca vào ngày 11/7; tại chấu Á cũng tăng nhanh từ khoảng 115 nghìn ca vào cuối tháng 6 lên đến 354 nghìn ca vào ngày 24/7.
Biến thể BA.4 và BA.5 đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới nhất ở châu Âu và Mỹ, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch chưa thể sớm kết thúc. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đã khởi động một phiên bản cập nhật vaccine của Pfizer nhắm vào 2 biến thể trên. Được biết các biến thể này lây lan mạnh hơn và có khả năng né tránh hệ miễn dịch tốt hơn các biến thể trước đó.