Lần đầu tiên sau hơn 1 năm, số bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy chỉ còn 17 trường hợp
Bộ Y tế ngày 11/7 cho biết, ngày 10/7, số ca mắc mới COVID-19 giảm hơn 200 ca so với hôm qua, chỉ còn 465 ca, thấp nhất trong hơn 1 năm qua Số khỏi bệnh gần gấp 20 lần số mắc mới, trong ngày tiếp tục không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.754.813 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.526 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.764.864 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, số bệnh nhân phải thở ô xy chỉ cỏn 17 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 15 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca. Không còn bệnh nhân nào phải thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn và can thiệp ECMO. Đây là con số bệnh nhân nặng thấp nhất trong hơn 1 năm qua tại nước ta. Có những thời điểm bệnh nhân nặng lên đến vài nghìn trường hợp.
Cấp độ dịch COVID-19 mới nhất
Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; Đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2022-2023.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
Nâng cao năng lực điều trị tại tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị COVID-19.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốcđề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm dù 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường truyền thông, vận động và tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đối với cán bộ, công nhân viên chức thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố để tham gia tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.
Đồng thời, Bộ cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế tăng cường truyền thông, vận động cán bộ của đơn vị đi tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi4...
Cập nhật cấp độ dịch mới nhất đến 12h ngày 10/7 của Bộ Y tế cho biết trong số 10.604 xã phường cả nước, đến nay 98,5% xã, phường được xếp nhóm vùng xanh (nguy cơ thấp) và vùng vàng (nguy cơ trung bình); 1,5% còn lại là số xã phương thuộc vùng cam và đỏ - gồm 151 xã phường vùng cam và 8 xã phường thuộc vùng đỏ.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 560,3 triệu ca, trên 6,37 triệu ca tử vong.
Biến thể BA.5 đã trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ trong vài tuần, gây ra những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai của Mỹ. Sự xuất hiện của BA.5 cũng trùng với thời điểm mà phần lớn nước Mỹ đã nới lỏng hầu hết các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở nơi công cộng và cuộc sống người dân phần lớn đã trở lại bình thường.
Ngày 6/7, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã nêu bật các thách thức có thể khiến làn sóng mới COVID-19 mạnh hơn. Trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến COVID-19 lây lan nhanh.
Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia. Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của virus cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp.
Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi tăng cường vaccine, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao nhất.
Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, xã hội nói chung.