Cả nước chỉ còn 363 bệnh nhân COVID-19 nặng
Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 10/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.855 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 2.854 ca ghi nhận trong nước (tăng 679 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố (có 2.467 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.122 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.681.214 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.937 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.673.462 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.592.609), TP. Hồ Chí Minh (608.776), Nghệ An (482.845), Bắc Giang (385.863), Bình Dương (383.541).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta: 9.324.934 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.313.223 trường hợp, trong đó có 363 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 289; Thở ô xy dòng cao HFNC: 43; Thở máy không xâm lấn: 5; Thở máy xâm lấn: 24; Thở ECMO: 2.
Triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, trong tuần, cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và dưới 3 ca tử vong mỗi ngày.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng.
3 trường hợp sai thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 được điều chỉnh
Liên quan đến công tác tiêm chủng và ký xác nhận hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế vừa ban hành kèm theo Công văn số 2262/BYT-CNTT quy trình 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19. Trong đó, có 3 trường hợp thông tin bị sai sẽ được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Không có số Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD).
- Sai định dạng số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
- Sai thông tin cá nhân cơ bản như: số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.
Tại công văn trên, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6/2022. Việc này nhằm giúp cho việc ký xác thực hộ chiếu vaccine điện tử của công dân. Tính đến ngày 10/5, đã có khoảng hơn 10 triệu người Việt có hộ chiếu vaccine.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 518.256,.35 ca COVID-19, trong đó có 6.279.670 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 556.540 và 1.489 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 473.129.155 người, 38.848.110 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 39.532 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 104.449 ca; Pháp đứng thứ hai với 56.449 ca; tiếp theo là Italy (56.015 ca) và Hàn Quốc (62.071 ca). Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 202 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 165 ca và Italy 158 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.733.003 người, trong đó có 1.024.916 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.110.185 ca nhiễm, bao gồm 524.103 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.594.388 ca bệnh và 664.390 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 193,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 149,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 12 triệu ca và châu Đại Dương 7,64 triệu ca nhiễm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/5 cho biết đã xác định 348 ca bệnh có thể mắc viêm gan không rõ nguồn gốc trên toàn thế giới, trong bối cảnh nhiều nghiên cứu đang tìm hiểu vai trò tiềm tàng của virus adeno và lây nhiễm COVID-19.