Cả nước chỉ còn 1.400 bệnh nhân COVID-19 nặng
Theo Bộ Y tế, ngày 10/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 28.307 ca mắc mới, giảm 5.831 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (trong đó có 20.635 ca trong cộng đồng). Ngày 10/4 chỉ có 8 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc mới trên 1.000 ca, bằng 1/5 thời điểm của 3 tuần đầu tháng 3/2022 khi số địa phương có ca mắc mới trên 1.000/ ngày thường khoảng ngoài 40 tỉnh, thành.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 42.928 ca/ngày
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.198.236 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.136 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.190.492 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.522.262), TP. Hồ Chí Minh (601.886), Nghệ An (415.171), Bình Dương (381.599), Bắc Giang (374.531).
Liên tiếp trong nhiều ngày gần đây số người mắc COVID-19 khỏi bệnh ở nước ta nhiều hơn số ca mắc mỗi ngày. Đến nay tổng số ca được điều trị khỏi tại Việt Nam là 8.532.523 ca
Số bệnh nhân nặng điều trị giảm mạnh, hiện còn 1.403 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 978 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 188 ca; Thở máy không xâm lấn: 55 ca; Thở máy xâm lấn: 180 ca; ECMO: 2 ca
Số bệnh nhân tử vong những ngày qua cũng giảm mạnh, trong ngày 11/4, số tử vong dừng lại ở con số 19, thấp nhất kể từ tháng 8/2021 đến nay. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua ở nước ta là 30 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.813 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Cả nước chỉ còn 165 xã, phường thuộc vùng đỏ về cấp độ dịch COVID-19
Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/4/2022, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Hiện cả nước còn có 2.159 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 20.4% số xã, phường cả nước); 163 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (1,5%) tại 16 tỉnh, thành phố.
Số xã, phường đạt cấp độ dịch 1- vùng xanh là 5.883 (chiếm 55,5% số xã, phường của cả nước); Có 2.399 xã, phường thuộc cấp độ dịch 2- vùng vàng ( chiếm 22,6% tổng số xã phường của cả nước).
Để biết được nơi mình đang sống, sẽ đến thuộc cấp độ dịch nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái
Khi nào cần đưa trẻ đi khám lại sau khi mắc COVID-19?
Theo PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.
Hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường gặp các triệu chứng tâm thần kinh như mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, các triệu chứng hô hấp hay gặp là ho kéo dài, đau họng, khó thở,… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.
Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường xảy ra sau mắc COVID- 19 khoảng từ 2 - 6 tuần.
Những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch có những triệu chứng như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ; mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác.... có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập; ho kéo dài, đau họng, khó thở; đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.
Hoặc trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý.
Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, cha mẹ nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).
"Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ Nhi khoa vào khoảng thời gian 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ" – PGS. TS Trần Minh Điển cho hay.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận 498.960.469 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.202.860 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 447.956.167 người, 44.801.442 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 53.778 ca nguy kịch.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 615.045 và 1.600 ca tử vong mới. Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 164.481 ca; Pháp đứng thứ hai với 107.654 ca; tiếp theo là Italy (53.253 ca). Hàn Quốc đứng đầu về số ca tử vong mới, với 329 ca trong ngày; tiếp theo là Nga 259 ca và Mexico với 125 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đến nay là 82.060.148 người, trong đó 1.012.145 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai, ghi nhận tổng cộng 43.036.070 ca mắc, có 521.722 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.152.402 ca mắc và 661.270 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 184 triệu ca mấc, tiếp đến là châu Á với trên 143,6 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận trên 97 triệu ca, Nam Mỹ là trên 56,4 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,79 triệu ca và châu Đại Dương 6,1 triệu ca.