Gần 3.000 ca mắc COVID-19 trong 7 ngày
Bộ Y tế cho biết ngày 10/12 có 408 ca mắc COVID-19, giảm gần 100 ca so với ngày trước đó. Tổng số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước ta là gần 3.000 ca, trung bình khoảng 420 ca/ngày; con số này thấp hơn khoảng 47 ca/ngày so với 7 ngày trước đó.
Trong 7 ngày qua, ngày có số mắc cao nhất là 8/12 với 528 ca, ngày thấp nhất là 4/12 với 204 ca (đây là ngày có số ca mắc mới thấp nhất tính từ đầu tháng 11/2022 đến nay).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.520.445 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.423 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.609.573 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 68 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 61 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca. So sánh với ngày trước đó thì bệnh nhân nặng ngày 10/12 tăng nhẹ.
Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1 bệnh nhân COVID-19 tại Tây Ninh tử vong, con số này giảm so với 7 ngày trước đó. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua trên cả nước là 0 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.178 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Đến nay Việt Nam đã tiêm gần 264,9 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương tiêm chậm, thấp. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Thêm giải pháp giúp mỗi người phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tinh thần sau đại dịch COVID-19
ThS.BS Nguyễn Văn Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phát triển (COHED) sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trên toàn thế giới gia tăng, chiếm khoảng 14,6% với tỷ lệ cao nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn giấc ngủ.
Tại Việt Nam, có gần 15 triệu người (chiếm 14,7% dân số) mắc các chứng rối loạn tâm thần với 5 vấn đề phổ biến nhất là: lạm dụng rượu, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, mất trí nhớ tuổi già.
Tuy nhiên, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam đang thiếu hụt các hoạt động dự phòng, hỗ trợ quản lý bệnh nhân tại cộng động và đặc biệt là phát hiện sớm vấn đề.
Với mong muốn hỗ trợ sức khỏe tinh thần trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần thuận lợi và dễ dàng hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, COHED đã nghiên cứu và phát triển ứng dụng Safe and Sound từ đầu năm 2021.
Ứng dụng này hoạt động với 3 trụ cột chính: Giúp người dùng tự phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tinh thần, kết nối đến các chuyên gia uy tín và theo dõi hỗ trợ tinh thần lâu dài.
Theo đó, khi sử dụng ứng dụng này, người dùng có dễ dàng kết nối với các chuyên gia để kiểm tra các vấn đề về sức khỏe tinh thần, giảm chi phí đi lại, bảo đảm tính riêng tư và bảo mật thông tin.
Theo đại diện đơn vị phát triển ứng dụng này, 1.000 người dùng đầu tiên sẽ được đánh giá tổng quát sức khỏe tinh thần miễn phí để phát hiện sớm những vấn đề tinh thần mà họ đang gặp phải, đồng thời được tư vấn lộ trình phù hợp để khắc phục tình trạng gặp phải...
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 653,1 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Ngày 9/12, Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường chống lại các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron cho trẻ em ở độ tuổi từ 5-11. Vaccine này có tên gọi đầy đủ là "Pfizer-BioNTech Comirnaty Omicron BA.4/BA.5".
Ngày 7/10 vừa qua, Bộ Y tế Canada cũng đã phê duyệt sử dụng loại vaccine này cho người trên 12 tuổi. Tuy nhiên, liều lượng vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ chỉ bằng 1/3 so với liều lượng tiêm cho 12 tuổi trở lên.