Sáng 10/6: Hơn 9,5 triệu F0 ở nước ta đã khỏi; Nữ giới mắc hậu COVID-19 gấp đôi nam

10-06-2022 08:28 | Y tế

SKĐS - Số ca mắc COVID-19 trong nước tiếp tục có xu hướng giảm; hiện hơn 9,5 triệu F0 đã khỏi; Một nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ cho thấy nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 nhiều hơn nam.

Trung bình số ca COVID-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua: 868 ca/ngày

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, ngày 9/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 802 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 799 ca ghi nhận trong nước (giảm 114 ca so với ngày trước đó) tại 45 tỉnh, thành phố (có 612 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn là địa phương nhiều nhất, tuy nhiên đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc COVID-19 của Hà Nội dưới 200/ ngày; 44 tỉnh, thành khác số mắc mới từ 1- 64 ca, trong đó gần 30 tỉnh, thành chỉ ghi nhận từ 1- 10 ca/ ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 868 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.728.720 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.341 ca nhiễm).

Sáng 10/6: Hơn 9,5 triệu F0 ở nước ta đã khỏi; Nữ giới mắc hậu COVID-19 gấp đôi nam - Ảnh 1.

Nghiên cứu khảo sát trên 17.000 người dân từng mắc COVID-19 cho thấy tỉ lệ nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 cao hơn nam giới (nữ 64,63% và nam 35,37%)

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.720.955 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.390), TP. Hồ Chí Minh (609.618), Nghệ An (484.932), Bắc Giang (387.610), Bình Dương (383.788).

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi là: 9.535.998 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.149.641 trường hợp, trong đó có 75 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 65; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4; Thở máy không xâm lấn: 3; Thở máy xâm lấn: 3.

Nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 cao hơn nam giới

Nghiên cứu khảo sát trên 17.000 người dân từng mắc COVID-19 cho thấy tỉ lệ nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 cao hơn nam giới (nữ 64,63% và nam 35,37%) và đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng hậu COVID-19.

Đây là kết quả của nghiên cứu do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì. Nhóm nghiên cứu đã triển khai ban hành bộ câu hỏi khảo sát gồm 4 phần và 20 câu hỏi trực tuyến. Tổng cộng 17.093 người dân đã tham gia khảo sát, trong đó tập trung vào đối tượng lao động trẻ, độ tuổi 16-35, được 13.313 phản hồi, chiếm 77,89%.

Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 - 5 tháng (khoảng 68%), tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhiều hơn 5 tháng và gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ, …) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).

Nghiên cứu chỉ ra mức độ và thời gian bị triệu chứng COVID-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm COVID-19.

Theo kết quả nghiên cứu này, dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng COVID-19. Với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng COVID-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền)...

Cả nước có 23 bệnh viện đủ điều kiện lấy, ghép tạng

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng.

Thống kê của Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, từ năm 1992 đến ngày 31/3/2022, nước ta đã ghép tạng cho 6.550 người. Trong đó, số người được ghép thận là 6.094 ca; số người được ghép gan là 384 ca; số người được ghép tim là 59 ca; số người được ghép phổi là 9 ca; số người được ghép tụy, thận là 1 ca; số người được ghép tim, phổi là 1 ca; số người được ghép ruột là 2 ca.

Bộ Y tế đã cấp phép hoạt động cho 10 ngân hàng mô, trong đó có một số ngân hàng mô chuyên biệt (tế bào gốc) và đã thực hiện được hàng nghìn ca ghép mô (giác mạc, da, tủy...).

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thi hành, quy định về ngân hàng mô trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp. Cuối tháng 3/2022, Cục Quản lý Khám, chữa bênh đã tổ chức Hội thảo cập nhật và xây dựng các Hướng dẫn chuyên môn về ghép tạng. Hiện Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng và Hội đồng nghiệm thu Hướng dẫn chuyên môn về lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo Quyết định số 1427/QĐ-BYT.

Tổng số ca mắc trên thế giới vượt 538,2 triệu ca, trên 6,32 triệu ca tử vong.

Tại Mỹ, ghi nhận 2 dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron hiện chiếm 13% ca COVID-19 mới ở nước này, tăng từ 7,5% một tuần trước và 1% vào đầu tháng 5. Mỹ hiện ghi nhận khoảng 100.000 ca COVID mới mỗi ngày. Trên thế giới, dữ liệu gần nhất cho thấy BA.4 và BA.5 vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong các ca bệnh, nhưng điều này có thể thay đổi trong những tuần tới.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.

Sáng 9/6: Cả nước còn hơn 1,15 triệu ca mắc COVID-19; BV Việt Đức sẽ khám, tư vấn miễn phí các bệnh do chấn thương thể thaoSáng 9/6: Cả nước còn hơn 1,15 triệu ca mắc COVID-19; BV Việt Đức sẽ khám, tư vấn miễn phí các bệnh do chấn thương thể thao

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, số mắc COVID-19 trung bình 7 ngày qua ở nước ta là 910 ca/ ngày; Tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch; 70-80% người bị chấn thương do chơi thể thao đều ở lứa tuổi 20-35.

Thái Bình
Ý kiến của bạn