Hà Nội

Sáng 10/2: Cả nước còn 2 ca COVID-19 nặng; bác sĩ 'giải thoát' 5 khối bã măng khô gây tắc ruột cho bệnh nhân

10-02-2023 08:49 | Y tế

SKĐS - Hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; Cả nước đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều nơi đang tiêm chậm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; Phẫu thuật cấp cứu lấy 5 khối bã măng khô gây tắc ruột cho bệnh nhân ở Hà Nội.

Hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi

Bộ Y tế cho biết ngày 9/2 có 17 ca mắc COVID-19 mới; trong ngày có 46 bệnh nhân khỏi, nhiều gấp gần 3 lần số mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.627 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.614.644 ca, trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát có 2 bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.

Đến nay đã tròn 40 ngày Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Sáng 10/2: Cả nước còn 2 ca COVID-19 nặng; bác sĩ 'giải thoát' 5 khối bã măng khô gây tắc ruột cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Đến nay Việt Nam đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương đang tiêm chậm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi Ảnh: Trần Minh

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Đến nay Việt Nam đã tiêm trên 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương đang tiêm chậm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Phẫu thuật cấp cứu lấy 5 khối bã măng khô gây tắc ruột cho bệnh nhân ở Hà Nội

BVĐK huyện Thạch Thất (Hà Nội) vừa cảnh báo về tình trạng tắc ruột do món canh măng khô - món ăn phổ biến trong ngày Tết.

Trước đó, bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân N.V.V (57 tuổi; ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều lần. Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ tại đây đã chẩn đoán, bệnh nhân bị tắc ruột và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được đưa lên phòng mổ gây mê và tiến hành phẫu thuật.

BSCK II Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân cho biết, sau khi phẫu thuật đã lấy ra được 5 khối bã thức ăn trong lòng ruột non của người bệnh. Trong đó, khối to nhất có kích thước khoảng 6×3cm, khối nhỏ nhất kích thước khoảng 4×2cm.

Theo các bác sĩ, khối bã thức ăn này thường là do món măng khô - thực phẩm được ưa chuộng trong ngày Tết. Măng không tiêu hóa được bị vón cục lại trong dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non tạo thành một cái "nút" gây tắc ruột.

Ngoài măng khô, các bác sĩ cũng cảnh báo, tắc ruột do bã thức ăn còn thường gặp sau khi ăn các chất xơ, dai khó tiêu hóa khác như mít, quả hồng, cam, lông tóc… Bệnh thường gặp ở người già, răng kém không nhai được kỹ đồ ăn, bệnh nhân sau cắt dạ dày, bệnh nhân bị viêm tụy mạn, suy tụy hoặc ở những bệnh nhân tâm thần tự ăn lông và tóc.

Các bác sĩ cũng lưu ý, tắc ruột có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Mất nước điện giải, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, nặng nề nhất có thể gây tử vong do hoại tử các quai ruột gây thủng ruột, vỡ ruột. Do đó, mọi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp giúp phòng tránh hiệu quả tắc ruột do bã thức ăn, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, răng kém, sau cắt dạ dày…

Theo báo cáo dịch tễ COVID-19 toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 9/2 cho biết, trong 4 tuần gần đây nhất toàn thế giới ghi nhận thêm hơn 10,458 triệu ca COVID-19 mới và hơn 90.000 người tử vong vì COVID-19.

Tuy giảm đến 92% về số ca mắc mới so với chu kỳ 28 ngày trước nhưng với hơn 7 triệu ca, Tây Thái Bình Dương vẫn đứng đầu trong 6 khu vực dịch tễ của WHO.

Châu Mỹ là khu vực dịch tễ đứng thứ 2, với 2,103 triệu ca mắc mới và 22.043 ca tử vong mới vì COVID-19 trong 28 ngày qua. Xếp thứ 3 là châu Âu với 1,272 triệu ca mắc mới và 13.652 ca tử vong mới.

Ba khu vực dịch tễ còn lại là châu Phi, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á báo cáo số ca không đáng kể

Sáng 9/2: Cập nhật mới nhất về tiêm vaccine COVID-19; Đã 39 ngày Việt Nam không ghi nhận F0 tử vongSáng 9/2: Cập nhật mới nhất về tiêm vaccine COVID-19; Đã 39 ngày Việt Nam không ghi nhận F0 tử vong

SKĐS - Theo thống kê đến nay đã 39 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19; Theo các chuyên gia, số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong thời gian qua đã giảm nhưng không nên lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch.

Thái Bình
Ý kiến của bạn