Bệnh viện Xây dựng tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 chuyển Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng được chuyển nguyên trạng về Đại học Quốc gia Hà Nội để quản lý và tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quyết định nêu rõ các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và có văn bản hướng dẫn thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.
Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có một bệnh viện là Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, quy mô 100 giường bệnh. Theo quy hoạch, bệnh viện này sẽ có quy mô 1.000 giường bệnh, trụ sở tại khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hoà Lạc.
Như vậy, với việc có thêm Bệnh viện Xây dựng (sắp tới thành Bệnh viện Đại học Y dược), Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thêm một bệnh viện thực hành tại nội thành.
Ca mắc COVID-19 tăng nhẹ
Bộ Y tế cho biết ngày 9/11 có 468 ca mắc COVID-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày có hơn 300 bệnh nhân khỏi, tiếp tục không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.507.124 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.288 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi: 10.605.315 ca, trong số hơn 850 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 66 ca - giảm nhẹ so với ngày 8/11, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 52 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 10 ca.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Chương trình tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 638,5 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhanh trở lại, nhất là ở khu vực miền Đông. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản có thể đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nhật Bản đã kêu gọi chính quyền các tỉnh, thành phố hợp tác nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng các biến thể phụ của Omicron.
Nhật Bản đã bắt đầu tiêm vaccine phòng biến thể BA.1 của Omicron, do Pfizer và Moderna sản xuất, từ tháng 9 và vaccine phòng biến thể BA.5 Omicron từ tháng 10. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dự định sẽ phân bổ khoảng 102 triệu liều vaccine phòng biến thể BA.5 của Omicron tới các địa phương trên khắp cả nước trong thời gian từ nay tới cuối năm.