Ca COVID-19 tiếp tục giảm mạnh
Bộ Y tế cho biết ngày 9/10 có 371 ca mắc COVID-19, giảm hơn 300 ca so với hôm qua, trong ngày không có bệnh nhân tử vong. Đây cũng là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong ngần 5 tháng qua. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 từ đầu tháng 10/1022 đến nay giảm mạnh, ngày cao nhất là gần 1.200 ca, thấp nhất là 371 ca, trong khi hồi tháng 9/2022, số ca mắc mỗi ngày đa phần đều lên đến hơn 2.000 ca, có nhiều ngày số mắc mới ở ngưỡng trên 3.000 ca, thậm chí có ngày còn gần 4.000 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.486.414 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.079 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.596.336 ca; trong số hơn 844 nghìn người mắc COVID-19 đang giám sát, theo dõi, số bệnh nhân đang thở ô xy là 55 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 47 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca. Con số này thấp hơn so với các ngày gần đây thường ở mức trên 60 ca - trên 70 ca.
Nhiều địa phương vẫn liên tục có tên trong danh sách tiêm vaccine COVID-19 chậm, thấp
Thống kê của Bộ Y tế đến hết ngày 9/10, tổng số vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là: 260.256.493 liều
Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết qủa tiêm mũi 3 đạt tổng số có 50.836.347 mũi tiêm (78,1%).
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58,3%); Phú Yên (60,7%); Đồng Nai (53,5%); Đồng Tháp (59,2%); Bình Phước (59,8%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%); Sóc Trăng (97,7%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 15.422.789 mũi tiêm.
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 là 5.019.178 trẻ (đạt tỷ lệ 58,6%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (36,2%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (22,5%); TP. Hồ Chí Minh (35%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,3%); Lâm Đồng (91,1%); Sóc Trăng (99,3%).
Đối với nhóm từ 5- dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm sau gần 6 tháng triển khai là 16.756.761, trong đó mũi 1: 9.871.345 trẻ (89%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP Hồ Chí Minh (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,6%); Bắc Giang (99,9%); Điện Biên (99,1%)
Tiêm mũi 2 đạt: 6.885.416 trẻ (62,1%)
- 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP Hồ Chí Minh (34,9%); Bà Rịa- Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (98,4%); Cà Mau (93,8%).
Cũng tại buổi tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại;
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
"Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu...", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.
Vì vậy Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác; Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng - dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 626,5 triệu ca, trên 6,56 triệu ca tử vong.
Bộ Y tế Panama mới đây thông báo sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi vào ngày 10/10 tới. Trong thông cáo chính thức, Bộ Y tế Panama cho biết đã nhận được 150.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hôm 5/10. Kể từ tháng 1/2022, Panama đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 5 tới 11 tuổi.
Tính đến ngày 1/10, Panama đã triển khai tiêm tổng cộng 8,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 471.073 liều cho trẻ em.