Bộ Y tế tiếp tục nêu tên các tỉnh thành tiêm vaccine COVID-19 chậm
Sáng 1/7 Bộ Y tế cho biết đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên đến hết ngày 30/6 đã tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): đạt 45.094.725 mũi tiêm (với tỷ lệ 67,2%)
5 tỉnh tiêm thấp với tỷ lệ dưới 45% gồm: Khánh Hòa (41,9%); Bình Thuận (35,4%); Sóc Trăng (40,0%); Cà Mau (38,1%); Hậu Giang (35,1%).
Bộ Y tế cũng cho biết có 3 tỉnh tiêm cao với tỷ lệ trên 90% gồm: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).
Về kết quả tiêm nhắc 2 (mũi 4) hiện cả nước mới tiêm được 4.281.382 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 6,4%). Bộ Y tế cũng nêu tên 5 tỉnh tiêm thấp dưới 2% gồm: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (1,4%);
3 tỉnh tiêm cao gồm: Bắc Giang (24,2%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, tổng số mũi vaccine COVID-19 tiêm nhắc là 810.443 mũi tiêm.
Các địa phương tiêm nhắc <2% gồm: Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang; Cao Bằng; Điện Biên;
Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận; Miền Nam (9 tỉnh): Tp. HCM; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, kết quả tiêm mũi 1: 5.942.269 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 51,7%)
5 tỉnh, thành tiêm thấp gồm: Hà Nội (26,0%); Vĩnh Phúc (32,5%); Đà Nẵng (26,6%); Quảng Nam (25,9%); Khánh Hòa (25,7%).
3 tỉnh tiêm cao: Sóc Trăng (86,7%); Cà Mau (79,4%); Hậu Giang (96,0%).
Đối với tiêm mũi 2: 2.181.582 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 19,0%); 4 tỉnh tiêm thấp (<7%): Ninh Bình; Quảng Nam; Bình Thuận; Đắc Lắc;
Bộ Y tế cho biết những ngày gần đây tiến độ tiêm đã nhanh hơn giai đoạn đầu tháng 6, mỗi ngày tiêm trên 1 triệu mũi, tỉ lệ tiêm mũi 3 tăng lên mức trên 67% (vài ngày trước chỉ đạt trên 64%).
Giám sát chặt các biến thể của Omicron; các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn ở nước ta
Bộ Y tế cho biết, ngày 30/6 số ca mắc mới COVID-19 tăng lên 62 trường hợp, tổng có 839 ca; Trong ngày số khỏi gấp 6 lần số mắc mới; tiếp tục không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.746.470 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.466 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.681.318 ca. Trong số các F0 đang theo dõi, điều trị có 24 bệnh nhân đang thở ô xy: Thở ô xy qua mặt nạ: 19 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 0 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca; ECMO: 0 ca. Con số này giảm 1 nứa so với trước đó.
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xâm nhập vào Việt Nam, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn ở nước ta.
Dẫn số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13 so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2, Bộ Y tế nhấn mạnh, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus.
Đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Nâng cao năng lực điều trị tại tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở...
Số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu tăng nhanh trở lại: Châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của số ca COVID-19 mới, buộc giới chức nhiều nước phát đi thông điệp cảnh báo.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Henri P.Kluge hôm 29/6 cho biết số ca COVID-19 mới đã tăng gấp đôi khắp châu Âu trong tháng qua, gây lo ngại quá tải y tế khi số ca bệnh nặng cũng tăng theo.
Đáng chú ý số ca mắc mới tại châu Âu trong 7 ngày qua đã lên tới gần 2,4 triệu ca (tăng 42%) và số ca tử vong là khoảng 2.650 (tăng 16%). Bước đầu, cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân chính của xu hướng đáng lo trên là sự lan rộng của 2 biến chủng phụ lây nhanh BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron và sự gia tăng đi lại, tụ tập trong mùa Hè.
Singapore đối phó với làn sóng COVID-19 do biến thể phụ của Omicron
Ngày 28/6, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron và không loại trừ khả năng thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội.
Bộ Y tế Singapore sẽ triển khai phát cho mỗi gia đình 10 bộ xét nghiệm nhanh ART vào tháng 7 qua đường bưu điện. Singapore cũng kêu gọi những người cao tuổi, nhất là những người trên 80 tuổi, cần sớm tiêm mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) sau 5 tháng kể từ khi tiêm mũi tăng cường thứ nhất.
Bộ Y tế Singapore đã và đang thiết lập 50 địa điểm tiêm chủng trên khắp cả nước với 25 đội tiêm chủng cơ động luân chuyển giữa các địa điểm để hỗ trợ tiêm chủng cho người cao tuổi