Số ca COVID-19 nặng đang điều trị thấp nhất trong hơn 10 tháng qua
Theo Bộ Y tế, ngày 31/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.010 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 108 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 696 ca trong cộng đồng), trong đó Hà Nội nhiều nhất với 251 ca mới; 39 tỉnh, thành còn lai ca mới trong ngày chỉ từ 1 đến gần 80 ca gồm Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Nghệ An, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Đà Nẵng, Sơn La, Lâm Đồng, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Bình Phước, Hưng Yên, Cà Mau, Quảng Ngãi, Điện Biên, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bến Tre.
Như vậy 23 tỉnh, thành phố khác không ghi nhận ca mắc mới trong ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.719.379 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.268 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.711.621 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.600.485), TP. Hồ Chí Minh (609.400), Nghệ An (484.598), Bắc Giang (387.576), Bình Dương (383.774).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 được điều trị khỏi là 9.462.298. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.214.003 trường hợp, trong đó có 150 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 93; Thở ô xy dòng cao HFNC: 23; Thở máy không xâm lấn: 4; Thở máy xâm lấn: 24; Thở ECMO: 6.
Theo Bộ Y tế, số ca COVID-19 mắc mới, số nặng, số tử vong có xu hướng giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành phố, hiện ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày (thấp nhất trong gần 10 tháng qua); số chết/mắc 30 ngày qua là 0,05% (37/68.560), riêng 5 ngày liên tiếp gần đây không ghi nhận ca tử vong trên toàn quốc và chỉ còn hơn 100 ca nặng đang điều trị (thấp nhất trong 10 tháng qua).
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Hơn 28 triệu người đã có hộ chiếu vaccine, tiến độ 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng có hoàn thành?
Theo thông tin của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tính đến hết ngày 31/5, cả nước đã có hơn 28 triệu người đã có hộ chiếu vaccine. Hôm qua cũng là thời hạn cuối cùng mà Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng, các điểm tiêm phải thực hiện hoàn thiện 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng, tuy nhiên theo đánh giá của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế là: Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, sau hơn 1 tháng triển khai công tác 'làm sạch' dữ liệu và ký xác nhận hộ chiếu vaccine chúng tôi đánh giá hiện nay việc triển khai là chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra.
Trước băn khoăn về việc người dân tiêm các mũi vaccine tại các cơ sở y tế khác nhau, rồi việc nhập sai thông tin, dữ liệu tiêm của người dân ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ xác nhận hộ chiếu vaccine, đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế nhấn mạnh: Người dân tiêm vaccine tại các cơ sở khác nhau chỉ cần cơ sở tiêm mũi cuối cùng ký xác nhận. Việc cơ sở tiêm chủng nhập sai thông tin thì người dân sẽ không nhận được hộ chiếu vaccine.
Từ ngày 6/6 tới, Hàn Quốc sẽ giảm hoạt động giám sát từ xa đối với bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao đang được điều trị tại nhà từ 2 lần/ngày hiện nay xuống còn 1 lần/ngày. Thay vào đó, chính phủ sẽ mở rộng mạng lưới phòng khám tại các địa phương. Những cơ sở này sẽ cung cấp dịch vụ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19.
Tính đến ngày 30/5, trên cả nước có tổng cộng 6.446 phòng khám như vậy. Chính phủ cũng sẽ triển khai các dự án nâng cấp và xây mới cơ sở hỏa táng, phòng ngừa nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại và khả năng xuất hiện các biến thể mới. Theo kế hoạch, 238 cơ sở hỏa táng trên cả nước sẽ được nâng cấp.
Ngày 30/5, Bộ Y tế Italy tuyên bố hủy bỏ yêu cầu những người nhập cảnh nước này phải xuất trình thẻ xanh COVID-19, bằng chứng về việc đã tiêm vaccine, mới khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV2; ngoài ra yêu cầu xuất trình "Thẻ xanh" COVID-19 sẽ không được gia hạn" khi nó hết hạn vào ngày 31/5.
Italy là quốc gia châu Âu có các quy định phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt nhất, trong đó yêu cầu người lao động phải xuất trình thẻ xanh. Khi các ca bệnh giảm bớt và phần lớn người dân đã tiêm vaccine, hầu hết các biện pháp đã được dỡ bỏ, mặc dù vẫn còn quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong trường học.