Tháng 10 ghi nhận khoảng gần 23.000 ca mắc COVID-19
Bộ Y tế cho biết, ngày 31/10 có 410 ca mắc COVID-19, tăng hơn 100 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày thứ 9 trong tháng 10, có số ca mắc mới dưới mốc 500 ca; bệnh nhân nặng tăng lên 59 ca. Trong ngày không có bệnh nhân tử vong.
Tổng số ca mắc COVID-19 trong tháng 10 khoảng gần 23.000 ca, đây là tháng có tổng số mắc giảm so với 2 tháng trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.502.885 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.245 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.603.212 ca, trong đó số bệnh nhân đang thở ô xy là 59 ca, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 50 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca. Con số này tăng nhẹ so với ngày trước đó. Tuy nhiên theo thống kê trong tháng 10, số bệnh nhân nặng có chiều hướng giảm, gần như không có ngày ghi nhận số bệnh nhân nặng trên mức 100. Trong khi ở tháng 9, có thời điểm bệnh nhân nặng lên đến gần 200 ca/ ngày, thường xuyên ở mức trên 120-150 ca/ ngày.
Chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 mới
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến thể phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Do đó cần tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine phòng COVID-19 và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng và xã hội.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tiến sĩ ngành y về Long An công tác được hỗ trợ 670 triệu
HĐND tỉnh Long An vừa thông qua tờ trình về chính sách thu hút nhân lực ngành y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Theo tờ trình, mức hỗ trợ cao nhất cho tiến sĩ là 670 triệu đồng
Điều kiện là các đối tượng thu hút nêu trên phải tốt nghiệp tại các trường đại học chuyên ngành y được đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành, tuổi đời không quá 30 tuổi (đối với cử nhân xét nghiệm, cử nhân gây mê hồi sức, cử nhân hộ sinh); tuổi đời không quá 40 tuổi (đối với bác sĩ, BSCKI, thạc sĩ, bác sĩ nội trú), không quá 45 tuổi (đối với BSCKII, tiến sĩ).
Đối tượng thu hút sau khi được tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào làm viên chức sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ một lần. Căn cứ theo tính chất công việc, nơi làm việc thì chế độ hỗ trợ cho đối tượng thu hút khi công tác tại các đơn vị và địa phương khác nhau.
Chính sách này áp dụng cho các đối tượng được tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo đó, chính sách này không áp dụng cho đối tượng là bác sĩ, cử nhân đào tạo hệ liên thông, cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh (đi nhận kinh phí đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh cho đến khi tốt nghiệp); các đối tượng có chuyên môn y tế dạng làm việc hoặc đã làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Long An.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 635,5 triệu ca, trên 6,59 triệu ca tử vong. Trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc mới giảm 21% so với số ca mắc mới tuần trước đó.
Tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10/2022), Ủy ban Khẩn cấp đánh giá: "Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với dịch COVID-19".
Ngày 31/10, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cho biết đã thu hồi giấy phép sản xuất thuốc dạng siro của 2 công ty dược phẩm tư nhân trong nước do vi phạm các quy định sản xuất.
Trước đó, giới chức Indonesia đã ra lệnh thu hồi các nhãn hiệu thuốc siro do chứa lượng EG và DEG. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết các loại siro ho này có thể gây suy thận cấp ở trẻ em và chính phủ đã ban hành lệnh cấm bán tạm thời các loại thuốc bị điều tra cho đến khi có thông báo mới.