Kỳ II: Công nghiệp hóa việc sản xuất thuốc từ thiên nhiên
Muốn sản xuất khối lượng lớn, tạo thuận lợi cho người dùng, đưa tỷ trọng đông dược trong nước và xuất khẩu lên cao phải công nghiệp hóa việc sản xuất thuốc từ nguồn gốc thiên nhiên.
Nghiên cứu và sản xuất: cách làm ở các nước và ở ta
Cách thứ nhất: Giữ nguyên các cách bào chế cổ, chỉ thay đổi tốc độ hiệu suất bằng cách đưa vào thiết bị hiện đại. Chẳng hạn: giữ nguyên các dạng viên hoàn (bổ thận tráng dương, bổ thận âm, hải cẩu hoàn, phong thấp hoàn, bổ huyết điều kinh hoàn, hà sa đại tạo hoàn) chỉ thay việc hoàn bằng tay, bằng thúng lắc sang bằng máy. Trung Quốc và ta có nhiều thuốc làm bằng cách này. Ưu điểm: kế thừa được các bài thuốc, dạng thuốc cổ, không mất nhiều thời gian thử nghiệm.
Phân tích thành phần dược liệu tại Viện Dược liệu quốc gia. Ảnh: Trần Minh |
Cách thứ 2:
Dựa vào bài thuốc, cây thuốc cổ truyền cải tiến cách bào chế, tạo ra các sản phẩm công nghiệp, thử lâm sàng, qua đó đánh giá có tác dụng như thuốc cổ truyền hay không, công dụng cũ nào có thể vận dụng trong y học hiện đại. Trung Quốc thường làm cách này, tạo ra các sản phẩm có giá trị, chẳng hạn như sản phẩm thiên sứ hộ tâm đan (dùng trong bệnh tim mạch). Nước ta có một số sản phẩm thuộc loại này. Tuy nhiên, cũng cần nói, trong việc phát triển sản xuất ồ ạt, một số cơ sở sản xuất đã dựa vào thành công của xí nghiệp trước, làm các sản phẩm tương tự nhưng chưa chú ý thích đáng việc thử lâm sàng, nên chưa hẳn đã giống với sản phẩm trước đó. Từ những năm 1946 - 1961, DS. Đỗ Tất Lợi làm ra thuốc điều kinh cao hương ngải có thử dùng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương rất tốt. Sau đó, nhiều nơi sản xuất cao này, không biết có đúng với cách làm như DS. Đỗ Tất Lợi không?Cách thứ 3: Chế dược liệu thành bán thành sản phẩm, chuẩn hóa, dùng chế thuốc hay xuất khẩu (nếu là cây thuốc có ưu thế). Cách làm này chỉ có thể áp dụng với những dược liệu có hoạt chất đã được chứng minh là làm nên hiệu lực của thuốc. Trên thế giới nhiều nước làm việc này như từ lá cây bạch quả Ginkgo biloba chế ra cao chứa gồm 24% heterozid ginkgo và 6% ginkgolidebilobalid. Nước ta cũng đã làm việc này từ trước như từ nhựa thuốc phiện chế ra cao thuốc chứa 10% morphin, hay gần đây từ lá cây trinh nữ hoàng cung chế ra cao (chứa một lượng alkaloid toàn phần chuẩn). Cách làm này vừa chuẩn hóa được nguyên liệu, vừa tránh được khâu chiết xuất tương đối tốn kém.
Cách thứ 4: Chiết xuất ra hoạt chất chữa bệnh. Thế giới cũng như nước ta từng làm cách này. Ví dụ từ thập niên 60 - 80, đã chiết và đưa vào sản xuất công nghiệp các chất: reserpin, rutin, palmatin, berberin, artemisidin. Ưu điểm là tạo nguyên liệu ổn định, tinh khiết, tiện bào chế thành thuốc, có tác dụng chữa bệnh chắc chắn, ổn định, liều dùng thấp, tiện lợi.
Bốn cách làm trên, tuy có ưu điểm (nói trên) nhưng cũng có một số trở ngại: Khi phát hiện hoạt chất làm thuốc từ thiên nhiên thì phải tổ chức nuôi trồng, chế biến, chiết xuất. Như thế đòi hỏi phải có đất đai phù hợp với điều kiện sinh thái của cây (thổ nhưỡng, khí hậu), tốn công sức chăm bón, hiệu quả lại lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, tốn nhiều công thu gom, vận chuyển, bảo quản, chế biến, chiết xuất, tốn nhiều nhà xưởng, thiết bị, hóa chất dung môi.
Cách thứ 5: Dùng công nghệ sinh học hiện đại. Tóm tắt cách làm: Sau khi tìm được hoạt chất chữa bệnh, phải tìm cho được gen điều khiển việc sản xuất ra chất đó (gọi là gen có ích) Chuyển gen có ích vào trong một loại vi sinh thích hợp, nuôi cấy trong một môi trường đặc biệt để gen này nhân lên và điều khiển việc tạo ra hợp chất làm thuốc. Một ví dụ: Cây thanh hao hoa vàng có hai "gen có ích" quyết định việc tổng hợp acid artemisinin. Chuyển hai gen này vào tế bào men rượu (saccharomyces cerevitase) bằng kỹ thuật di truyền. Dùng tế bào men rượu sản xuất ra acid artemisinic. Sau đó chỉ dùng vài phản ứng hóa học đơn giản biến acid artemisinic thành artemisinin. Sản xuất theo cách này không có các khoản phí tổn (như trên) nên giá thành artemisinin chỉ bằng 10% so với giá thành chiết xuất từ dược liệu. Nước ta chưa có đầu tư nhiều nhưng cũng có đội ngũ có trình độ làm được việc này như dùng công nghệ sinh học sản xuất vaccin, sản xuất một số chất làm thuốc (như sản xuất lymbokinase từ con giun quế Perionys escavatus giống như Nattokinase mà các nước đang dùng).
Từ khi tìm ra insulin (1921) đến khi tổng hợp được bằng tái tổ hợp gen (1970) mất 50 năm. Từ khi WHO đưa artemisinin vào liệu pháp điều trị sốt rét (2002) đến khi sản xuất artemisinin bằng công nghệ sinh học hiện đại (đầu 2006) chỉ mất chưa đầy 4 năm. Sự so sánh này cho thấy tốc độ áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất dược phẩm hiện nay rất nhanh.
Thay lời kết
Để tăng tỷ trọng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên trên thị trường nước ta, đẩy mạnh xuất khẩu, phải nghiên cứu công dụng thực sự, nhu cầu hiện có, cách tạo nguồn, cách đưa vào sản xuất lớn, định hướng phát triển sản phẩm của một số cây thuốc chủ yếu. Đó là một chuỗi hoạt động. Thiếu hay yếu một khâu nào, công việc sẽ chững lại. Ngay trong chiến tranh chống Mỹ đã có nghiên cứu sâm Ngọc Linh, xác định tốt như nhân sâm, nhưng cho đến nay việc trồng trọt, chuẩn hóa, chế biến chưa như mong muốn. Tương tự, cũng mất mấy chục năm với trinh nữ hoàng cung, vừa qua mới có công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm áp dụng vào sản xuất (thay cho cách dùng lộn xộn, nhầm lẫn trước đây) song phát triển ưu thế đặc biệt của cây và sản phẩm này ra thế giới như thế nào còn phải làm tiếp rất nhiều việc. Cũng từ lâu đời ta nói đến gấc, nhưng chỉ đến mức dùng lọ dầu gấc tại nhà, mãi thời gian gần đây, cây gấc mới thực sự trồng trọt trên quy mô lớn, dầu gấc mới trở thành một thương phẩm có uy tín trong nước và thế giới. Sự cố gắng và công lao của những người trong cuộc rất lớn, đáng ghi nhận song với tốc độ nghiên cứu và đưa ra thực hành như vậy so với tốc độ phát triển khoa học như vũ bão trên thế giới hiện nay thì vẫn còn chậm.
Để hợp tác được nhiều ngành, nhiều người, về quản lý phải có một tổ chức định hướng, lập kế hoạch (cập nhật thông tin thế giới, tập hợp ý kiến của nhà nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất). Nếu không như vậy, việc nghiên cứu triển khai đôi khi chỉ dựa vào từng người từng đơn vị, riêng lẻ, không loại trừ có trường hợp mang tính ngẫu hứng, ít có kết quả.
Thế giới có nhiều cách công nghiệp hóa việc sản xuất thuốc từ nhiên nhiên. Tùy điều kiện mà chọn cách thích hợp. Tuy nhiên phải nhận rõ, trong bối cảnh hiện nay, thì việc kế thừa y học cổ truyền phải làm một cách cẩn thận, bài bản (có nghiên cứu sản xuất, nghiên cứu lâm sàng) chứ không thể làm như một số cách trước đây (chạy theo chỉ tiêu, chạy theo phong trào). Cũng cần phải có đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mới có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có ý nghĩa về chữa bệnh, kinh tế trong đó có xuất khẩu.
Chúng ta đã có đường lối kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, có chiến lược phát triển ngành dược (2001 - 2010) song trên vấn đề sản xuất thuốc từ nguồn thiên nhiên cần tranh thủ ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất mới có thể có một chương trình phát triển cụ thể vững chắc.
DS. Hà Thủy Phước