Sáng nay (11-8), Đoàn công tác của Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội đã kiểm tra việc đáp ứng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola tại cửa khẩu quốc tế, sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Ebola, ngày 1-8 trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đã thành lập các kíp trực tăng cường giám sát 24/24 tại cảng hàng không Nội Bài với đầy đủ các thành phần các kiểm dịch viên là bác sĩ, điều dưỡng và lái xe cấp cứu, thực hiện giám sát 100% các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Nôi Bài.
Ngày 9-8, phối hợp với cảng vụ hàng không, công an cửa khẩu, công ty hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị dịch vụ mặt đất áp dụng tờ khai y tế với chuyến bay đầu tiên từ Ai Cập đẻ vừa thực hiện giám sát chặt chẽ, vừa rút kinh nghiệm việc áp dụng tờ khai nhập cảnh đối với hành khách đến từ châu Phi.
“Chúng tôi đã xây dựng quy trình kiểm dịch giám sát bệnh dịch do virus Ebola theo từng giai đoạn giám sát, sàng lọc và xử trí. Thiết lập các phương án thu dung người nghi nhễm bệnh, hành khách đi cùng chuyến bay, cách ly, phân loại, cung cấp trang bị phòng hộ làm thủ tục nhập cảnh khẩn trương và các phương án vận chuyển và phương tiện viêanaj chuyển đúng quy định về cơ sở điều trị” – ông Hòa nói.
Ngoài ra về cơ sở vật chất, đảm bảo hai máy kiểm tra thân nhiệt vận hành tốt và hai máy dự phòng để đảm bảo hoạt động kiểm soát liên tục và an toàn cho kiểm dịch viên. Củng cố hai phòng cách ly, sàng lọc bước dầu tại nhà ga với các trang thiết bị cấp cứu cần thiết.
“Bước đầu dự trữ sẵn sàng 1.000 khẩu trang N95 và 10.000 khẩu trang giấy
500 bộ trang phục phòng hộ, 600 áo choàng phòng hộ, kính nhựa, ủng cao su, găng tay dùng một lần. Hóa chất chloramines B, hai thùng 70kg khử khuẩn
Xe cấp cứu với đủ trang phục phòng hộ thường trực thường xuyên để vận chuyển người nghi nhiễm bệnh. Có phương án huy động xe cấp cứu chuyên dụng của Đội y tế khẩn nguy và cấp cứu 115” – ông Hòa cho biết.
Đoàn công tác của Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội đã kiểm tra việc đáp ứng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cửa khẩu quốc tế, sân bay Nội Bài
Giám sát chặt chẽ hành khách
Đại diện trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, cho biết vừa qua 168 hành khách trở về từ Lybia đã được giám sát chặt chẽ và hướng dẫn khai tờ khai y tế. Tất cả những công dân này qua kiểm tra đều hoàn toàn khỏe mạnh. Chiều nay, sẽ có đoàn thứ hai trở về.
“Chúng tôi đã phát tờ khai để hành khách khai trên chuyến bay, khi xuống sẽ nộp luôn cho đơn vị kiểm tra, vì thế sẽ không gây xáo trộn và mất thời gian của hành khách” – vị này nói.
Ông Hòa cho biết nếu phát hiện 1-3 ca bệnh là người nước ngoài sẽ vận chuyển về BV Việt Pháp, nếu là người Việt thì đưa về BV Nhiệt đới trung ương, BV Đống Đa. Nếu từ 3-5 người sẽ về BV Bắc Thăng Long.
Được biết, mỗi ngày Nội Bài tiếp nhận 7.000 khách quốc tế, với 50-60 chuyến bay.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết do sân bay Nội Bài cũng như các cảng hàng không khác không có đường bay thẳng từ Châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ Châu Phi rải rác tại tại tất cả các chuyến bay quốc tế đến.
“Phải giám sát từng chuyến bay thông qua hộ chiếu của hành khách. Tại sân bay sẽ phân loại hành khách. Nếu khách đến các khu dân cư trong cộng đồng thì danh sẽ được báo đến trung tâm y tế các quận huyện sẽ chịu trách nhiệm giám sát. Nếu khách về khách sạn, nhà nghỉ thì chúng tôi cử người phối hợp với cơ chính quyền địa phương các cấp. Thời gian giám sát trong vòng 21 ngày. Nếu khách về các tỉnh khác thì chúng tôi báo cáo với Cục Y tế dự phòng để Cục thông báo cho các địa phương đó và ngược lại các tỉnh thành phố biết thông tin có người đến từ vùng có dịch về Hà Nội thì báo với Cục Y tế dự phòng để Cục báo cho chúng tôi” – ông Hiền nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết cũng đã yêu cầu giám sát hệ thống nhập động vật, thực phẩm từ các nước có dịch. “Qua kiểm tra thì Hà Nội chưa có kênh nhập khẩu này, nhưng chúng tôi lo ngại người dân mang về” – bà Ngọc nói.
Theo bà Ngọc, Hà Nội xây dựng ba tình huống, tuy nhiên cũng tuyên truyền vừa mức, không gây hoang mang trong nhân dân.
“Các đơn vị phải chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư khi có tình huống xảy ra. Khi nghi ngờ có ca bệnh thì chúng tôi chuyển ngay về 5 bệnh viện của Hà Nội có khoa truyền nhiễm là BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Đức Giang, BV Hà Đông, BV Bắc Thăng Long. Sắp tới Sở Y tế cũng tập huấn cho 5 bệnh viện này” – bà Ngọc nói.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhấn mạnh thời gian tới, thành phố Hà Nội, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp theo đúng kế hoạch. Tăng cường nhận thức cho cán bộ và người dân về các biện pháp phòng chống bệnh, tuyên truyền cho hành khách hiểu và biết về các biểu hiện của bệnh để phòng bệnh có hiệu quả.
Huy Hà