Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 13 giờ, ngày 28/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây (25km/h) và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13 giờ, ngày 29/8, cách đảo Hải Nam khoảng 180km về phía Đông Nam. Dự kiến đêm 30-8 bão sẽ đổ bộ vào bờ. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 150 Vĩ Bắc. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc (15km/h) và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ, ngày 30-8, trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ, trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Gió cấp 9-10, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Khu vực bão Podul đổ bộ là nơi dân cư đô thị đông đúc, kinh tế phát triển dọc dải ven biển, đặc biệt là có nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế (dịp nghỉ lễ 2/9) và chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, tính đến 10 giờ ngày 28/8, các đơn vị BĐBP đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.564 phương tiện/309.616 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4. Trong đó, hoạt động khu vực nguy hiểm: 797 tàu/5.493 người; hoạt động khu vực khác và neo tại bến: 18.535 tàu/84.489 người; neo đậu tại các bến: 48.082 tàu/207.139 người.
Các địa phương từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế đã gia cố, sơ tán 20.475 lồng bè nuôi thả thủy sản trên diện tích 131.880 ha.
Trước dự báo bão Podul sẽ đổ bộ vào đất liền, Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết: Khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận hiện có 24 điểm sạt lở/41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Quỳnh Thọ - Nghệ An, Quảng Phú – Quảng Bình, Hải Dương – Thừa Thiên Huế, Vĩnh Mốc – Quảng Trị, Hội An – Quảng Nam, Cửa Đại – Quảng Ngãi, Phước Lộc – Bình Thuận.
Trên hệ thống đê điều có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; 86 công trình đang thi công dở dang khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó quan tâm đến 3 công trình đang thi công dở dang trên tuyến biển là công trình nâng cấp đê Bình Minh III tỉnh Ninh Bình và đê tả Nghèn, đê biển Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Bão số 4 đổ bổ vào đúng vào dịp nghỉ dài ngày nên các địa phương cần hết sức chú ý. Dự báo cơn bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ lũ quét lũ ống rất cao. Trong khi đó có 23.000 ha hè thu chưa thu hoạch, các hồ, đập cũng nhiều, nhiều hồ chưa được nâng cấp. Các địa phương lưu ý thông báo kịp thời cho khách du lịch và di dời dân đến nơi an toàn, tuyệt đối không được chủ quan, tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, chủ động ứng phó với bão, với phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, cấm biển, liên lạc với tất cả các tàu thuyền đang trên biển, bảo vệ hạ tầng kinh tế ven biển. Chủ động bảo vệ đê điều, đặc biệt các đoạn đê xung yếu, hết sức lưu ý phòng, chống sau hoàn lưu bão. Di dân, chú trọng rà soát lại các vùng sạt lở, lũ quét, lũ ống ở các địa phương để chủ động ứng phó bởi đây thường là những vùng thiệt hại nặng nhất sau bão.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công điện số 13 gửi nhiều tỉnh, thành phố và các bộ có liên quan yêu cầu triển khai ứng phó với bão số 4.
Vị trí và đường đi của bão số 4. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia.
Bão số 4 gây mưa lớn ở phía Bắc từ đêm ngày 29 đến ngày 2/9
Dự báo trong những giờ tới, bão sẽ còn mạnh thêm và đi theo hướng Tây rồi Tây - Tây Bắc. Khoảng chiều hoặc tối ngày 30/8, bão sẽ đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 15 độ Vĩ Bắc.
Từ đêm mai đến ngày 2/9, ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to; trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ là tâm mưa lớn nhất.
Mưa trút xuống, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng. Trên các sông suối thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sẽ xuất hiện một đợt lũ. Lưu ý đỉnh lũ ở thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên mức báo động 2 đến báo động 3.