Hà Nội

 Sẵn sàng cho phương án xấu nhất nếu bệnh viện bị phong tỏa

12-05-2021 11:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Không ai mong muốn nghĩ đến việc bệnh viện bị phong tỏa. Nhưng trong tình thế dịch bệnh chực chờ xâm nhập, các bệnh viện tại TP.HCM đã sẵng sàng phương án ứng phó cho tình huống xấu nhất, không bị động trước mọi diễn biến có thể xảy ra.

Đã chuẩn bị sẵn vali

Với chuỗi lây nhiễm ở các tỉnh, thành trong cả nước đã có một số bệnh viện bị phong tỏa, đây là những bệnh viện “đầu não”, điều trị đa chuyên khoa, tiếp nhận các bệnh nhân nặng. Cũng như các bệnh viện khác, trước vô vàn nguy cơ dịch bệnh tấn công, BV Nhân dân 115 TP.HCM và nhiều bệnh viện khác cũng không ngoại lệ.

TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM) đã chia sẻ về sự lo lắng có thật này, với tâm lý sắp sửa bước vào một “cuộc chiến” quyết liệt đúng nghĩa.

Lo lắng, nhưng không lo sợ, TS.BS Phan Văn Báu cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, bệnh viện đã chủ động vạch sẵn các phương án chống dịch theo từng cấp độ.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch tại BV Nhân dân 115 TP.HCM

Là bệnh viện đa khoa hạng 1, có quy mô 1.600 giường bệnh, mỗi ngày tiếp nhận khám từ 3.000-4.000 lượt. Bệnh viện tiếp nhận cấp cứu nhiều nhất liên quan đến các bệnh lý đột quỵ, thần kinh, chấn thương… Bệnh viện có Trung tâm Đột quỵ lớn nhất miền Nam. Những ngày cao điểm, tại trung tâm tiếp nhận cấp cứu hơn 350 trường hợp.

Từ tháng 3/2020 bệnh viện đã quyết liệt triển khai từ khâu sàng lọc bệnh. Từ bên ngoài cổng đến khi vào khoa phòng, bệnh nhân và thân nhân phải qua 3 chốt chặn sàng lọc, khai báo y tế. Khu sàng lọc đầu vào đã được thiết kế đưa ra ngoài tòa nhà, đảm bảo trật tự vệ sinh thông thoáng, cách ly so với khu nhà chính.

Khi vào chốt chặn tại các khoa phòng, bác sĩ trực tiếp sàng lọc khử khuẩn, kiểm tra lại việc khai báo y tế của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân. Bên cạnh việc ngưng thăm bệnh, bệnh viện cũng đã ngưng cho sinh viên thực hành để giảm tải tại viện. Việc quản lý người nuôi bệnh và bệnh nhân đã được bệnh viện áp dụng  công nghệ kỹ thuật số bằng thẻ, hạn chế việc đổi người nuôi bệnh.

Ở khu sàng lọc, bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 sẽ được chụp X-Quang. Nếu có tổn thương phổi, sẽ được chuyển đến phòng cách ly ngay tại khu sàng lọc. Những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 nhưng phải mổ cấp cứu, sẽ được mổ trong khu áp lực âm.

Bệnh viện đã cơ hữu được 115 máy thở, 84 máy hiện đại điều trị COVID-19. Ngoài ra, bệnh viện đã có sẵn hệ thống ECMO, trang bị 2 phòng áp lực âm, phòng mổ áp lực âm… Tất cả trang thiết bị, nhân lực được dự trù để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bệnh nhân tại viện.

Đối với bệnh nhân COVID-19 nặng, bệnh viện có thể “chia lửa” cùng các bệnh viện tuyến đầu, tiếp nhận và điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân.

Trường hợp tại khoa bị phong tỏa, bệnh viện sẽ thực hiện các phương châm tại chỗ. Nhân viên y tế không được rời khỏi khoa, được đảm bảo mọi nhu cầu thiết yếu. Khi cần hội chẩn, sẽ thực hiện hội chẩn trực tuyến. Các bác sĩ thậm chí đã chuẩn bị sẵn sàng vali cho trường hợp xấu nhất. Người nhà sẽ gửi vào khi toàn viện bị phong tỏa trong tình trạng “nội bất xuất – ngoại bất nhập”.

Đồng lòng để chiến thắng dịch bệnh

BV Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối, hầu hết các bệnh nhân tại đây đều là những bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các tỉnh, thành. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám từ 5.000-6.000 lượt bệnh nhân, khoảng 2.500-3.000 lượt bệnh nhân nội trú. Bệnh viện cũng là tuyến đầu chống dịch trên địa bàn TP.HCM và là nơi sẵng sàng chi viện nguồn nhân lực cho những “điểm nóng” của dịch COVID-19.

TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc BV Chợ Rẫy báo cáo với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 về các biện pháp chống dịch tại bệnh viện

TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc BV Chợ Rẫy thông tin, đến nay bệnh viện vẫn giữ vững tốt phòng tuyến không để dịch bệnh xâm nhập vào nội viện. Bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Ngưng tuyệt đối hoạt động thăm bệnh; tăng cường khai báo y tế và giám sát khai báo y tế đối với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sĩ, nhân viên cung cấp dịch vụ khi vào bệnh viện. Tất cả các trường hợp này đều được sàng lọc yếu tố dịch tễ, triệu chứng, khai báo y tế “kép” (thực hiện khai báo y tế ở cổng vào và khai báo y tế tại khoa). Bệnh viện cũng đã quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay để đảm bảo không “lọt sổ” ca bệnh xâm nhập vào nội viện. Xây dựng quy trình tiếp nhận và xử trí cấp cứu cho người bệnh, để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch bệnh.

Hơn 60% nhân viên y tế của bệnh viện đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tất cả bệnh nhân khi có chỉ định nhập viện đều được xét nghiệm COVID-19. Cụ thể: 100% thân nhân bệnh nhân ở các khoa có yếu tố nguy cơ cao như: Thận nhân tạo, Hô hấp, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch đều được xét nghiệm COVID-19. Đối với các khoa khác, khoảng 10% thân nhân bệnh nhân sẽ được tầm soát COVID-19 ngẫu nhiên.

TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức trăn trở: “Cắt ngang ở một thời điểm, nội viện có khoảng 5.000 người (bao gồm bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, nhân viên y tế). Tình huống xấu nhất, trong trường hợp bị phong tỏa, bệnh viện phải đảm bảo về mọi mặt cho 5.000 người”.

TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức thông tin bệnh viện đã sẵn sàng các cấp độ cho tình huống bị phong toả 

BS.CKII Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Chợ Rẫy cho hay, ở tình huống bệnh viện bị dịch bệnh xâm nhập, các cấp độ phong toả sẽ từ thấp đến cao: Phong tỏa phòng bệnh, phong tỏa một khoa bệnh hoặc nhiều khoa bệnh, phong tỏa một toà nhà, nghiêm trọng nhất là phong tỏa toàn bệnh viện. Tùy từng cấp độ, bệnh viện đã dự trù các phương án về phân luồng lối đi, đảm bảo phương tiện và thuốc men điều trị, nơi chốn nghỉ ngơi, cung cấp suất ăn và nước uống, hình thức giặt giũ… đảm bảo cho bệnh nhân, nhân viên y tế và thân nhân bệnh nhân ở thời điểm đó. Bên cạnh đó là phương án điều phối nhân viên y tế làm việc theo ca kíp, để đảm bảo giữ vững điều trị, bảo vệ tối đa cho người bệnh.

“Hiện nay bệnh viện vẫn đang dốc toàn lực để chống dịch bệnh xâm nhập. Dù không mong muốn, nhưng theo tinh thần chủ động, sẵn sàng, từ lãnh đạo đến nhân viên mỗi khoa, phòng luôn trong tâm thế sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Mỗi sáng chúng tôi rời nhà và đến bệnh viện với một quyết tâm cùng đồng lòng chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho bệnh nhân…”- BS.CKII Phạm Thanh Việt nói.                                                               


Hoài Thương
Ý kiến của bạn