Hà Nội

Sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV

10-06-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch bệnh MERS-CoV đã được ghi nhận tại 26 quốc gia với tổng số người nhiễm trên toàn cầu là 1.250 người, trong đó 451 người đã tử vong.

*3 tình huống ứng phó dịch bệnh MERS-CoV

*Bộ Y tế thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV

*4 trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam đều âm tính

*Việt Nam đủ điều kiện xét nghiệm phân lập và cho kết quả chính xác bệnh MERS-CoV

Dịch bệnh MERS-CoV đã được ghi nhận tại 26 quốc gia với tổng số người nhiễm trên toàn cầu là 1.250 người, trong đó 451 người đã tử vong. Để ngăn chặn và có những biện pháp đối phó với dịch Mers, ngày 8/6, Bộ Y tế đã tổ chức buổi tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh, thành. Cuối giờ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan.

Giám sát y tế tại sân bay.

Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV. Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh từ Hàn Quốc, mấy ngày gần đây đã xuất hiện tâm lý hoang mang của người dân trong nước trước thông tin đã có trường hợp mắc MERS-CoV tại Việt Nam. Về thông tin này, ông Phu khẳng định, đã có 4 trường hợp có biểu hiện sốt, ho đi từ vùng có dịch trở về nghi nhiễm MERS-CoV và đã được cách ly, làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 4 trường hợp đều âm tính với MERS-CoV.

Cũng theo ông Phu, các cơ sở được chỉ định xét nghiệm MERS-CoV của ta đều đủ điều kiện xét nghiệm phân lập và cho kết quả chính xác. Các trường hợp được xét nghiệm phải có các triệu chứng điển hình và có tiền sử dịch tễ (tiếp xúc gần người bệnh, đi về từ vùng có dịch; ngồi cùng hàng ghế người nhiễm, trong gia đình có người mắc...).

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế nhận định, thực tế các dịch bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, SARS... ở Việt Nam cho thấy phần lớn các ca bệnh đều phát hiện trong bệnh viện (BV), bởi vậy việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV phải đặt lên hàng đầu.

Để phòng chống dịch MERS-CoV hiệu quả, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong BV, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng. Theo đó, các BV tuyến cuối gồm: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Trung ương Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1 và 2, BV Chợ Rẫy điều trị những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp tập huấn cho các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện của các bộ, ban, ngành cho biết đã có những động thái tích cực và khẩn trương trong hoạt động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV như: Bộ Quốc phòng sẵn sàng chuẩn bị các BV dã chiến; Bộ Ngoại giao: đưa các thông tin cảnh báo lên cổng thông tin của Bộ; Bộ Giao thông Vận tải: đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và đặc biệt nhấn mạnh Cục Hàng không;...

Liên quan đến lao động nước ngoài, đại diện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, hiện có khoảng 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Hàn Quốc có khoảng 60.000 người (bao gồm khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp). Trong tháng 6 sẽ có hơn 200 người về nước, cao điểm tháng 7 và 8 sẽ có hơn 1.000 lao động hết hạn về nước. Còn tại khu vực Trung Đông có khoảng 20.000 lao động. Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp đưa ra hướng dẫn bệnh MERS cho lao động Việt Nam tại các nước này. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động có các biện pháp tuyên truyền theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nắm bắt được các tình hình của người lao động Việt Nam tại các vùng dịch. Ngoài ra, một nhóm có nguy cơ lây lan bệnh nữa là từ các khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không (Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng). Vì vậy, từ ngày 5/6, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn đến các địa phương, các công ty du lịch khuyến cáo các công ty du lịch và các doanh nghiệp không tổ chức du lịch cho người dân tới vùng có dịch. Thường xuyên cập nhật thông tin và gửi tới khách du lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm dịch - Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 1/6 đến hôm nay, số lượng khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam đã giảm. Do truyền thông hiệu quả nên người khách cũng rất có ý thức phòng bệnh khi tới Việt Nam (dùng khẩu trang và làm tờ khai y tế). Tuy nhiên cũng nên cảnh giác bởi có người có biểu hiện triệu chứng bệnh, có người không biểu hiện.

Tiểu ban Truyền thông phòng chống dịch của Bộ Y tế, ông Nguyễn Đình Anh cũng cho biết, từ ngày 8/6, Bộ Y tế đã ký văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị tăng thời lượng phát sóng các tin bài về phòng ngừa bệnh MERS-CoV và từ ngày 8/6 tới cuối tuần sau, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế sẽ phối hợp với các báo điện tử tổ chức tọa đàm về Mers. Ngày 10/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trực tiếp trả lời những thắc mắc về dịch bệnh MERS-CoV của người dân trên báo điện tử suckhoedoisong.vn.

Đẩy mạnh truyền thông, dập dịch ngay từ đầu, không để dịch lan rộng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, đây là quốc gia phát triển và đã được cảnh báo dịch, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn phức tạp với 95 ca bệnh được ghi nhận (trong đó 7 ca tử vong) tính đến nay. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, kỹ thuật, chú trọng công tác cách ly và chống nhiễm khuẩn lên số 1, đặc biệt là đẩy mạnh phối hợp truyền thông, không cho dịch xâm nhập vào trong nước; nếu xâm nhập thì không để lan rộng và phải cố gắng dùng những điều kiện tốt nhất cứu chữa bệnh nhân.

Theo Bộ trưởng, thực tế đã chứng minh, làm tốt truyền thông, hiệu quả phòng chống dịch rất cao. Ca nghi nhiễm MERS-CoV ở TP.HCM là một bằng chứng sinh động. Đó cũng là hiệu quả của hoạt động áp dụng tờ khai ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng nhờ công tác truyền thông, giám sát kịp thời, ca nghi ngờ mắc đã được phát hiện, cách ly và theo dõi. Bệnh nhân cũng đã được xét nghiệm và khẳng định kết quả âm tính với MERS-CoV.

Bộ trưởng cho biết, ngày 5/6, Bộ Y tế đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại các khu vực: miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. 4 đội này có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn phụ trách; sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh MERS-CoV xảy ra trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng, khi dịch chưa vào Việt Nam, trước hết phải kiểm soát chặt khâu nhập cảnh. Công tác này đã được triển khai khá tốt (như những tờ khai ở sân bay)... Bộ Y tế đã đưa ra 3 tình huống để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và phòng, chống dịch. Cụ thể, tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Thực hiện giám sát, dự phòng tại BV, cộng đồng đối với những trường hợp viêm đường hô hấp cấp, hội chứng cúm tại các BV, các trường hợp nghi ngờ, có tiền sử đi từ khu vực có dịch, báo cáo ngay lập tức khi có ca bệnh nghi ngờ theo quy định. Với tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, ngành y tế sẽ khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế sẽ đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ đạo các BV thực hiện phác đồ điều trị, dự trù thuốc men lấy nguồn từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Thanh Loan

 

 


Ý kiến của bạn