Sản phụ suy đa tạng do sốt mò

26-06-2022 12:03 | Y tế
google news

SKĐS - Sau 5 ngày chỉ định mổ lấy thai, sản phụ 19 tuổi (Yên Bái) có biểu hiện sốt cao, suy thận cấp, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do sốt mò.

Bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ (Yên Bái) vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ M.T.S 19 tuổi (địa chỉ xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) với tình trạng sốt cao, khó thở, tiên lượng nặng nghi do sốt mò

Trước đó, ngày 11/6/2022 bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai tại TTYT huyện Văn Chấn. Tuy nhiên sau 5 ngày điều trị bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, suy thận cấp, phải chuyển tuyến lên Bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ.

Tại đây, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc đã khẩn trương tiến hành hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nghi do sốt mò.

Sau 10 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc (Bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ), bệnh nhân đã hết sốt, tiếp xúc tốt, không đau ngực, không khó thở, các chỉ số sinh tồn ổn định và đã được xuất viện về nhà.

Sản phụ suy đa tạng do sốt mò - Ảnh 1.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) bệnh sốt mò do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra. Vi khuẩn này từ các động vật hoang dã (vật chủ) như loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, lợn, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)... chúng đẻ trứng vào môi trường là đất ẩm và phát triển thành ấu trùng trước khi trở thành mò đỏ. Vì vậy, ấu trùng mò đỏ có mặt khắp nơi, nhất là vùng đất ẩm, ướt.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động, mang tính chất nghề nghiệp (lâm nghiệp, nông nghiệp, bộ đội biên phòng, người trồng và bảo vệ rừng...). Do đó, bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, dân sinh sống ở bìa rừng núi (80,5%), hiếm ở thành thị.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc sung huyết và phát ban, vết loét ngoài da đặc trưng do ấu trùng mò đốt, sưng đau hạch ngoại vi gần nơi vết loét.

Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện tổn thương nhiều cơ quan, gây suy đa phủ tạng và tử vong.

Để dự phòng bệnh, cần tránh ngồi nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giày và tất, chít ống quần…

Sử dụng các hóa chất diệt công trùng (permethrine và benzyl benzoat) phun vào quần áo hoặc bôi các hóa chất xua côn trùng như diethyltoluamide lên các vùng da hở…

Phát quang thảm thực vật quanh nhà, phun thuốc diệt mò vào bờ bụi cây cỏ quanh nhà.

An Giang ghi nhận hơn 6000 ca mắc sốt xuất huyết An Giang ghi nhận hơn 6000 ca mắc sốt xuất huyết

SKĐS - Theo số liệu thống kê của Sở Y tế An Giang cho biết, đến ngày 25/6 địa phương này ghi nhận 6148 ca mắc sốt xuất huyết.


PV
Ý kiến của bạn