Sản phụ sau sinh hơn tháng chưa một lần gặp con, giờ nguy kịch vì biến chứng hậu sản

04-08-2021 07:08 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS-Con trai đã qua tròn tháng nhưng chị Trinh vẫn chưa một lần gặp mặt con. Mẹ con xa cách mỗi người một tỉnh, đau đớn hơn giờ chị đang phải giành giật sự sống vì những biến chứng hậu sản mà gia đình lại khó khăn.


Sinh xong mẹ gặp nguy kịch

Với người phụ nữ, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là giây phút đón con chào đời và được ôm con vào lòng. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy chị Nguyễn Thị Kiều Trinh (SN 1995) ở xóm Triều Cảnh, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An không có được. 

Từ ngày chị sinh đến giờ chưa được gặp mặt con. Hiện giờ 2 mẹ con chị xa cách mỗi người mỗi tỉnh. Đau đớn hơn khi chị đang phải giành giật sự sống vì những biến chứng hậu sản.

Sản phụ sau sinh hơn tháng chưa một lần gặp con, giờ nguy kịch vì biến chứng hậu sản - Ảnh 2.

Sau sinh chị Trinh bị hậu sản, giờ tình trạng nguy kịch. Ảnh GD

Hơn 1 năm trước, chị Trinh kết hôn cùng anh Đinh Trọng Lực (SN 1988). Niềm hạnh phúc đến với đôi vợ chồng trẻ khi chị Trinh mang bầu. 

Những ngày mang thai, chân chị Trinh to lên. Vợ chồng chị cứ ngỡ biểu hiện bình thường của thai phụ, khi đi khám chị mới biết bị chứng tiền sản giật rất nguy hiểm, có nguy cơ cao gây tử vong cả mẹ lẫn con. Ngay từ thời điểm đó, chị Trinh được gia đình theo dõi sát sao hơn.

Bước sang 35 tuần 5 ngày, chị Trinh bắt đầu thấy mệt mỏi hơn bình thường, không ăn được. Anh Lực nhanh chóng đưa vợ đến BVĐK huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Qua đánh giá sơ bộ, các bác sĩ nhận thấy chứng tiền sản giật đang gây nguy hiểm cho mẹ con chị Trinh. 

Ngay sau đó, chị Trinh được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, chỉ định mổ cấp cứu gấp.

Trước khi phẫu thuật, người mẹ ấy vẫn cố dặn chồng mình dù mọi cách cũng cứu lấy con. Trải qua ca mổ đầy nguy hiểm vào ngày 2/7/2021, chị Trinh đã sinh con an toàn. 

Đứa trẻ sinh thiếu tháng chỉ được 2kg, may mắn cháu nhanh nhẹn nên không phải nuôi trong lồng kính. Đón con trong nước mắt, anh Lực đặt tên con là Đinh Trọng Nhân chỉ mong sao con lớn lên khỏe mạnh, có tấm lòng nhân ái.

Chưa kịp mừng niềm vui chào đón con đầu lòng chào đời bình an, anh Lực nhận tin vợ rơi vào tình trạng nguy kịch sau ca mổ. Chị Trinh bị nhiễm khuẩn máu, phải tiến hành lọc máu ở Bệnh viện Sản nhi tỉnh Nghệ An. 

Ở viện được 14 ngày, chị Trinh được chuyển sang Khoa Hồi sức của BVĐK Nghệ An. Tình hình vẫn không khả quan hơn, thậm chí căn bệnh biến chứng thành suy gan, suy thận, viêm túi mật… Chẳng còn cách nào khác, anh Lực đành gửi con để cùng vợ ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị tiếp.

Con thơ khóc ngằn ngặt vì khát sữa

Bé Nhân sau 8 ngày ở viện được bà ngoại đón về. Những ngày đầu đời, Trọng Nhân đã không được cảm nhận hơi ấm của mẹ. 

Không có giọt sữa mẹ, Trọng Nhân phải ăn sữa ngoài. Dì của cháu phải bế đi xin sữa từ những người mẹ trong xóm để con cảm nhận được nguồn sữa mẹ. Khát sữa, đứa trẻ hiếm khi có giấc ngủ ngon, khóc ngằn ngặt suốt. 

Chứng kiến cảnh ấy mà mọi người vô cùng thương xót.

Sản phụ sau sinh hơn tháng chưa một lần gặp con, giờ nguy kịch vì biến chứng hậu sản - Ảnh 3.

Bé Trọng Nhân từ khi sinh ra chưa được gặp mẹ. Ảnh GD

Lần nào anh Lực gọi điện về nhà cũng nghe thấy tiếng con khóc. Anh sốt ruột vô cùng nhưng chẳng thể làm được gì vì ở viện, vợ của mình cũng đang phải chiến đấu giành giật sự sống từng giây phút. 

Chị Trinh đang nằm ở Khoa Hồi sức tích cực. Vì tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, anh không thể được vào chăm vợ mỗi ngày mà chỉ vào mỗi khi bác sĩ có thông báo tình hình của vợ. Ngồi bên ngoài, lòng anh như lửa đốt.

"Tôi không hiểu sao trước sức khỏe vợ bình thường mà bầu bí, sau sinh lại bị nhiều bệnh vậy. Hôm ra Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ mới tiến hành lọc máu, hút dịch trong màng phổi, ổ bụng. Ngày mai, vợ tôi lại bước vào ca phẫu thuật tiếp. Vợ tôi chưa một phút được ôm con vào lòng từ lúc sinh tới giờ. Giờ tôi rất chi là lo" – anh Lực chia sẻ.

Sản phụ sau sinh hơn tháng chưa một lần gặp con, giờ nguy kịch vì biến chứng hậu sản - Ảnh 4.

Chị Trinh ngày mai sẽ bước vào ca phẫu thuật tiếp

Kinh tế của đôi vợ chồng trẻ chưa có nhiều. Bản thân anh Lực đi làm lao động tự do ở Vinh. Dịch bệnh không có việc, giờ lại nghỉ việc chăm vợ nên không còn thu nhập. Vợ anh trước đi làm công nhân, mang thai yếu nên cũng tạm nghỉ. Hai vợ chồng còn chăm bố mẹ già yếu đã ngoài 80 tuổi. Mẹ anh Lực mới bị tai biến hiện giờ đang nằm một chỗ.

Hết mẹ bị tai biến giờ vợ lại nằm nguy kịch, anh Lực càng lo chi phí điều trị. Số tiền điều trị giờ đã hơn 100 triệu đồng. Để lo cho vợ, anh Lực đã gọi điện vay mượn khắp mọi nơi. Những chỗ vay được, anh Lực đã hỏi vay cả, giờ không còn biết xoay sở ra sao.

Con thiếu vắng hơi ấm của mẹ từ lúc lọt lòng, anh chỉ lo vợ có điều gì bất trắc xảy ra. Ở Hà Nội đang giãn cách, anh cũng chẳng quan biết ai để cầu cứu, chỉ biết cúi xin sự giúp đỡ của mọi người để vợ anh qua cơn nguy kịch, con thơ được hưởng hơi ấm của mẹ.





Phương Thuận
Ý kiến của bạn