Sức khỏe thông minh
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/ 5/ 2017, về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động về ứng dụng công nghệ thông tin.
PGS - TS Trần Qúy Tường - Cục trưởng Cục CNTT phát biểu khai mạc
Trong đó, Cục Công nghệ thông tin được giao xây dựng Đề án phát triển y tế thông minh, với mục tiêu chung là: Ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ này có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, ứng dụng và phát triển y tế thông minh để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử.
Đề án có các mục tiêu cụ thể như: Xây dựng cơ sở pháp lý để ứng dụng và phát triển y tế thông minh; Đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia và hạ tầng kỹ thuật cho phát triển y tế thông minh; Ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong khám chữa bệnh và phòng bệnh; Ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế và vắc xin, sinh phẩm y tế; Ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong công tác quản lý về y tế, hiện đại hóa dịch vụ công trực tuyến, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử.
Trong đó nòng cốt là thực hiện 3 nhiệm vụ: Chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Bộ Y tế ban hành Thông tư 54/2017/TT-BYT về “Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu phát triển y tế điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bước tiến quan trọng trong Thông tư 54/2017/TT-BYT là quy định về bệnh viện thông minh và bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, với đầy đủ các tiêu chí hết sức rõ ràng, về cơ bản đã tạo hành lang pháp cho tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tại các bệnh viện, PGS.TS Trần Quý Tường nhấn mạnh.
TS. Võ Trí Thành - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Bản chất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kết nối dữ liệu. Kết nối không còn đơn giản, là siêu kết nối, là sự tương tác giữa người, vật và thế giới số một cách tức thời, hiệu quả, thông minh. Những cuộc cách mạng trước đây, người ta nghiên cứu, phát triển riêng lẻ từng loại công nghệ, còn ở hiện tại, là sự gia tăng kết nối, giữa cái này với cái kia tạo thành một mạng lưới tổng thể chung mà ở đó, con người là trung tâm”.
TS. Võ Trí Thành báo cáo viên tại cuộc tọa đàm
“Để kết nối thành công và gia tăng kết nối cần phải có dữ liệu. Vấn đề đặt ra tiếp theo là rủi ro xảy ra khi mất an toàn dữ liệu trong quá trình kết nối và quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ tác động lớn đến quyền riêng tư mà nó còn tác động đến giá trị sống và giá trị văn hóa. Trước đây những thứ vũ khí giết chết con người có vũ khí nguyên tử, hóa chất, sinh học thì nay có thêm vũ khí công nghệ. Công nghệ hiện nay có nhiều lĩnh vực thông minh hơn con người. Do đó, ngành Y tế phải thay đổi cách ứng xử cho phù hợp với những tác động đó”- TS. Võ Trí Thành lưu ý.
Y tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Ông Thành cho rằng: “Y tế được nhìn theo 4 lát cắt, gồm: Lĩnh vực đáng sống; lĩnh vực xuất nhập khẩu thương mại; lĩnh vực kinh doanh; lĩnh vực hàng hóa công (trong đó vai trò nhà nước là rất lớn)”.
Ông khẳng định “Y tế là 1 trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất trong thời đại số. Nên Y tế không thoát khỏi các nguyên tắc ứng xử trong quá trình chịu tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đó là cấp độ, linh hoạt và mềm dẻo……”.
Vậy bài toán đặt ra đối với ngành y trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là ưu tiên phát triển sản phẩm gì? Ông đề xuất 2 nguyên tắc chọn sản phẩm gồm khả năng lan tỏa lớn nhất trong bản thân hệ thống khiến hành vi thay đổi và sản phẩm thông minh có chất lượng cao. Vậy, ngành y tế Việt Nam cần có chính sách để thúc đẩy, tạo ra sản phẩm đầu tầu, có tác động lan tỏa. Ông nhấn mạnh: “Sản phẩm của ngành y tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phải xanh, thông minh, thuận tiện, biểu tượng, cá tính hóa”.