“Sạn” nghệ thuật về giới LGBT

02-03-2018 07:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, không ít các chương trình giải trí, phim ảnh về giới LGBT (người đồng tính, song tính luyến ái và chuyển giới) đã được thực hiện và ra mắt khán giả nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh chương trình, bộ phim chất lượng thì thực tế cũng chỉ ra có một số phim, chương trình dính “sạn” khi đề cập đến giới LGBT một cách quá đà, phản cảm khiến dư luận bức xúc.

Gần đây, Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ & thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) tại Việt Nam đã có thư ngỏ tới nhà sản xuất chương trình Táo quân 2018, phản ánh chương trình đã xúc phạm giới LGBT. Theo thư ngỏ của Viện iSEE và Trung tâm ICS, tại Táo quân 2018 có những “hạt sạn” mà đối tượng bị mang ra làm trò cười cho người xem đến từ giới LGBT. Đó là nhân vật Bắc Đẩu bị các Táo nói là “Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam”, “bọn phụ nữ một nửa”. Nhân vật Bắc Đẩu luôn được đem ra gây cười về vấn đề giới tính và chuyện tình yêu. Những hình ảnh, lời thoại của các nhân vật Táo hướng đến nhân vật Bắc Đẩu kể trên có yếu tố miệt thị, làm tổn thương cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, điều này như khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với giới LGBT.

“Sạn” nghệ thuật về giới LGBTMột số hình ảnh, câu thoại... về nhân vật Bắc Đẩu (bên trái) trong Táo quân 2018 có yếu tố miệt thị, làm tổn thương cộng đồng LGBT.

Theo nữ ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi, không thể phủ nhận Táo quân là một chương trình hay và có nhiều ý nghĩa, đặc biệt về giá trị phản ánh hiện thực xã hội. Tuy nhiên, điều đáng buồn là Táo quân 2018 nhồi nhét cho người thuộc giới tính thứ ba những chi tiết lố lăng, thô thiển như đanh đá, điêu ngoa, mê trai, hám tình dục… Từ trang phục, đầu tóc, trang điểm tới hành động, nói năng đều khá phản cảm và không đúng thực tế giới LGBT. Chưa kể, thái độ của các nhân vật Táo với người thuộc giới tính thứ ba cũng rất châm chọc, coi thường khi dùng đủ những lời chê bai, miệt thị.

Trên thực tế, không ít chương trình game show, phim điện ảnh đề cập đến vấn đề giới tính, cộng đồng LGBT có yếu tố gây hài nhưng phản cảm, khiến dư luận bức xúc. Ngược dòng thời gian, phim Nàng men chàng bóng (đạo diễn Võ Tấn Bình) khiến người xem sửng sốt vì một kịch bản quá khiên cưỡng, sơ sài đi kèm những tình huống, lời thoại chọc cười thô thiển về giới LGBT. Nội dung phim này xoay quanh hai nhân vật chính là nàng men Út Chót chuyên làm người hùng giúp đỡ người bị ức hiếp và chàng bóng Ẽo Ợt chỉ yêu nam giới. Để mua tiếng cười dễ dãi, phim khai thác đề tài đồng tính với cái nhìn thiếu thiện cảm về ngoại hình phản cảm của Ẽo Ợt, từ cử chỉ ẻo lả, giọng nói thỏ thẻ cho đến thái độ khiếp sợ khi con gái động vào, hoặc diễn tả thái quá ở những cảnh quay Ẽo Ợt cứ xông vào người đàn ông mà anh ta yêu thích. Phim không dành một phân đoạn nào chứng tỏ Ẽo Ợt bị lẫn lộn giới tính. Người xem bị hiểu rằng chỉ cần một cái ôm với một cô gái thì một “chàng bóng” có thể trở thành đàn ông ngay lập tức.

Bên cạnh đó, hai bộ phim Để mai tính 1 và Để mai tính 2 (đạo diễn Charlie Nguyễn) cũng từng tạo ra nhiều tranh cãi khi đề cập đến vấn đề người đồng tính. Trong hai bộ phim kể trên, nhân vật chị Hội đều có những chuyện tình đồng tính. Dù mang lại rất nhiều tiếng cười cho khán giả nhưng không ít ý kiến đánh giá nội dung phim đã pha những yếu tố hài hước “quá lố” cũng như những góc nhìn chưa thật sự đúng về người đồng tính làm nhiều người bức xúc. Ngoài ra, phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với tuyến nhân vật chính là người đồng tính cũng từng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng, bộ phim của Vũ Ngọc Đãng khai thác khá mỏng cuộc sống và tâm tư tình cảm của người đồng tính nhưng lại lạm dụng quá nhiều cảnh nóng như muốn “câu” người xem đến rạp.

Có thể nói, một số bộ phim, chương trình giải trí kể trên được sản xuất đều diễn ra trong tình trạng các đạo diễn và người viết kịch bản tưởng tượng về người đồng tính. Hoặc có chăng là sự quan sát một cách hời hợt nên chỉ nhận diện được sự bất thường trong dáng vẻ bề ngoài và lột tả một cách qua loa, hời hợt rằng “tính cách và hình hài như đàn ông đối với những người đồng tính nữ và nhão nhoẹt đối với người đồng tính nam” nên đã xây dựng hình tượng nhân vật, chi tiết, hình ảnh về giới LGBT còn gây nhiều tranh cãi và bức xúc không chỉ trong giới LGBT. Điều này phần nào phản ánh người làm nghề thiếu tính chủ động, ý thức tìm tòi, thể hiện với cộng đồng LGBT.

Thực tế chỉ ra rằng, cuộc sống của cộng đồng LGBT vốn đã nhiều khoảng lặng và nhiều nước mắt, vì vậy người làm nghệ thuật cần phải tiếp xúc và làm việc với các tổ chức quốc tế về quyền của người đồng tính để có thêm trải nghiệm, có nhiều sự quan sát và tìm hiểu, chia sẻ. Có như vậy các chương trình giải trí, tác phẩm điện ảnh mới hết nhảm, nhạt và góp phần giúp cộng đồng LGBT tự tin hơn để có cuộc sống bình đẳng trong xã hội.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn