“Săn mây, đón gió” nơi cột mốc chủ quyền

10-03-2018 16:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Những ngày đầu năm 2018, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đang hối hả trên nương cho kịp mùa gieo hạt.

Những dảnh mạ non, những thân ngô mướt hòa trong sắc xanh núi rừng phủ kín non cao, thung sâu chốn biên cương Đông Bắc. Bóng áo hoa đỏ rực, áo xanh đằm thắm của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ thấp thoáng đâu đó trong dáng núi. Tiếng con chim Queng Quy hót vào lòng người làm hương quế, hương hồi cũng cuống quýt, nồng nàn ẩn trong nếp áo.

Đường chinh phục đỉnh Cao Ba Lanh và cột mốc 1327 trập trùng uốn lượn trong mây.

Đường chinh phục đỉnh Cao Ba Lanh và cột mốc 1327 trập trùng uốn lượn trong mây.

Lùa tay trong sương lạnh đầu xuân, chúng tôi cùng Trung tá Bùi Đức Hạnh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh “bước đá, bước mây” khám phá cung đường ngoạn mục lên đến đỉnh Cao Ba Lanh - một điểm đến của giới “phượt” cả nước bởi vẻ đẹp của sông núi vùng biên và những cột mốc vươn cao chạm tới chân trời. Những bạn trẻ quyết tâm “go trekking” (đi bộ dài ngày), thường là tại những nơi hoang dã, núi non không có phương tiện giao thông và thường không theo một lộ trình có trước - thường là sinh viên từ mọi miền trong cả nước và những bạn trẻ có niềm yêu thích vô vàn với vẻ đẹp của “non nước biên phòng”.

Trên đỉnh núi, chúng tôi gặp nhóm “phượt thủ” là những sinh viên của Trường Đại học Mỏ địa chất đang trong kì đi thực tế tại Quảng Ninh. Lê Hưng Tuấn - Trưởng nhóm nói rằng khi được nghe bác Vi Thân Bích - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Bình Liêu cho biết về một bảo vật là “Đàn đá thần” được hình thành tự nhiên từ những hòn đá lớn gối liền với nhau trên đỉnh núi Cao Ba Lanh, cả nhóm rủ nhau lên đường.

Những chiến sĩ biên phòng bảo vệ mốc 42 trên đỉnh Pu si Lung cao 3083m.

Những chiến sĩ biên phòng bảo vệ mốc 42 trên đỉnh Pu si Lung cao 3083m.

Lê Hưng Tuấn bảo, choáng ngợp chính là từ duy nhất để chỉ cảm giác của họ khi đứng giữa đỉnh cao, thu vào tầm mắt “muôn trùng nước non” như Bác Hồ đã từng cảm khái trong bài thơ Đi đường của tập Ngục trung nhật ký. Đứng từ đây có thể nhìn thấy cụm bản Tràng Nhì, Hanh, Nà Kép của nước bạn Trung Quốc hiện lên như một bức tranh thủy mặc đầy lãng mạn giữa mây ngàn. Những người bạn trẻ réo rắt gọi nhau bám xích sắt đi trên “sống lưng khủng long” của ngọn núi để “checkin cột mốc thiên đường” mang số hiệu 1327.

Cụ Dường Chống Hén - một già làng được kính ngưỡng nhất bản Phật Chỉ đưa chúng tôi đến Đàn đá thần. Cụ kể rằng, trong quy ước của bà con trước đây, khi phát hiện những biểu hiện bất thường, người phụ trách việc canh phòng sẽ gõ vào đàn đá để tạo nên những tiếng kêu ngân nga vang trong gió, truyền tin cho dân bản biết để chuẩn bị chống trả kẻ thù. Rồi cụ cẩn trọng dùng một viên đá nhỏ cỡ nắm tay gõ vào đàn đá thần. Âm thanh từ đàn đá thần trầm đục và không có giai điệu cụ thể vang lên. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, những người trẻ chúng tôi chợt hiểu vì sao bà con nơi đây cho đó chính là khúc nhạc tuyệt vời nhất. Bởi có bài ca nào, khúc nhạc nào quý giá hơn lòng yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cõi bờ.

Cũng cùng độ cao với đỉnh Cao Ba Lanh, khu vực mốc 425, 428 biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận bản Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là điểm “checkin” mà bất cứ ai yêu biên cương đều phải đến một lần. Đây là những điểm cao nhất cực Bắc trên bản đồ nước ta, là nơi con sông Nho Quế như một con trăn gió trườn từ lòng đá để mang nước ngọt cho những bản làng quanh năm khô khát.

Theo lời đại úy Vừ Mí Chứ - cán bộ Đồn biên phòng Lũng Cú, tuy mốc 425 mới là mốc ở điểm cao nhất, song do thỏa thuận về phân giới cắm mốc giữa hai nước, mốc số lẻ do Trung Quốc cắm, mốc số chẵn do Việt Nam cắm nên mốc 428 là nơi mà các bạn trẻ không ngại trekking vất vả suốt hơn 2 giờ đồng hồ để đến với mốc. Cùng với một nhóm bạn đến từ các tỉnh phía Nam, chúng tôi leo dốc vượt 2km để xuống mốc 428. Dốc nối dốc trập trùng, đường đi bé bằng bụng ngựa, một bên là đá, một bên là vực sâu… Để có được vị trí đặt mốc mà chúng tôi đang đứng hôm nay là biết bao trí tuệ, mồ hôi, công sức của chính quyền, lực lượng chức năng và nhất là nhân dân Séo Lủng. Để đưa được cột mốc lên cắm tại vị trí này phải mất đến 2 năm và chủ yếu dựa vào sức người mang vác nguyên vật liệu, cõng mốc.

Điều thú vị là đang cuối mùa tam giác mạch và dã quỳ nên hành trình như ngắn lại bởi hoa cỏ vùng biên lưu luyến gọi mời, khiến tôi cảm khái để thốt lên thành lời thơ “Đường biên cương đường hoa đường mật. Khắc vào không gian một hình dung rất thực. Đường nào ngọt bền bằng lòng dạ biên cương…”. Cột mốc bằng đá hoa cương có chóp nhọn được hình thành từ ý tưởng dáng hình cây tre và phiên hiệu của Việt Nam khiến tôi không khỏi bồi hồi nói với những người bạn mới quen rằng trong suốt nhiều năm, cột mốc này từng là điểm nóng xảy ra tranh chấp trong đàm phán phân giới cắm mốc giữa hai bên. Trâm Anh - cô bạn trẻ đang là giáo viên một trường quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh mắt đỏ hoe như muốn khóc bởi cảm xúc yêu thương, đầy tự hào đột ngột dâng trào.

Nhóm bạn trẻ chụp ảnh “check-in” mốc 428.

Nhóm bạn trẻ chụp ảnh “check-in” mốc 428.

Một trong những hành trình khắc nghiệt thử thách ý chí và sức chịu đựng cực hạn của con người chính là lên đỉnh Pu Si Lung cao hơn 3.083m thuộc địa bàn quản lý của Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ, BĐBP Lai Châu. Đó là nơi cột mốc 42 kiêu hãnh tắm gió gội mây nơi non ngàn biên tái. Pu Si Lung là đỉnh núi cao thứ ba sau Phan-xi-phăng (3.141m) và Pu Ta Leng (3.096m), nhưng lại vượt hai “người anh” bởi chặng đường lên đỉnh núi vô cùng gian nan vất vả với hành trình xuất phát từ Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ cũng mất ít nhất 4 ngày đêm vượt hơn 100km cả đi lẫn về.

Không phải ai cũng có đủ sức khỏe và ý chí để lên được đỉnh. Thiếu tá Phùng Nhù Giá - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ luôn thấy ái ngại mỗi khi có đoàn đến đồn xin phép được vượt núi, cắt rừng để lên mốc 42. Anh bảo, trước đây, con đường dã chiến được mở để đưa cột mốc lên đó phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí có những hôm các cán bộ chiến sĩ phụ trách vận chuyển mốc còn bị sét đánh và mưa lũ cô lập mất mấy ngày. Hiện giờ đường cũng dần bị cỏ cây lấp lối bởi chỉ có dăm bảy thợ săn thiện nghệ của đồng bào và các tổ tuần tra của đồn đi lại mỗi tuần đôi lần để kiểm tra đường biên.

Đoàn nào anh cũng khuyên nên suy xét kĩ để tránh những ẩn họa dọc đường cũng như tình trạng kiệt sức, mất dưỡng khí khi ở độ cao trong thời tiết giá lạnh. Anh bảo đến nay cũng mới chỉ có khoảng dăm đoàn là đến được mốc 42 dưới sự trợ giúp của đồn. Nhưng khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của các bạn trẻ khi đã vượt lên được khắc chế của thiên nhiên, vượt lên chính mình, anh lại thầm phấn chấn khi biết rằng hậu phương vẫn đang hướng về biên giới, vẫn đang có những người thanh niên trân trọng từng tấc đất cha ông và hiểu được sự hi sinh lặng lẽ của những chiến sĩ biên phòng nơi xa ngái này.

Không đủ sức khỏe để lên “lấy lòng” mốc 42, tôi ngậm ngùi ngồi xem những bức ảnh kỉ niệm của các porter (chỉ người mang đồ và dẫn đường cho các nhóm thám hiểm, leo núi) áo lính tình nguyện chụp cùng khách “phượt” trong những chuyến đi trước đó. Các em là chiến sĩ nghĩa vụ người La Hủ, người Mông ngay tại địa phương nên rất thuộc thông thổ quê mình. Họ khoe với tôi rừng Pu Si Lung có nhiều thú quý hiếm, nhiều cây gỗ có trong Sách Đỏ cần bảo tồn và hơn hết là vẻ khoáng đạt của thiên nhiên kì vĩ luôn biến chuyển theo mùa, theo mưa nắng…

Nhìn nụ cười trên môi những “phượt thủ” chưa từng gặp mặt mới chỉ ngoài đôi mươi mặc áo in quốc kì rạng rỡ dang tay ôm cột mốc, tôi bỗng thấy vô cùng thân thuộc và yêu biết mấy nụ cười thanh tân của họ - nụ cười của người chiến thắng.


Bài và ảnh : Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn