Sán lá gan: Bệnh từ miệng

25-05-2024 12:06 | Y tế

SKĐS - Sán lá gan là một loại ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, gây ra bệnh lý tại nhiều cơ quan, chủ yếu là ở gan và mật. Bệnh sán lá gan thường gặp ở những người có thói quen ăn gỏi cá sống hoặc rau thủy sinh…

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An), bệnh sán lá gan là một trong những gánh nặng trong nhóm bệnh lý về ký sinh trùng tại Việt Nam.

Bệnh sán lá gan lớn do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây ra, thường dẫn đến những tổn thương và ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Vật chủ chính của sán lá gan lớn là các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu và các loài động vật có sừng khác. Người chỉ là vật chủ tình cờ.

Sán lá gan: Bệnh từ miệng- Ảnh 1.

Mỗi ngày, phòng khám ký sinh trùng, CDC Nghệ An tiếp nhận từ 40-50 bệnh nhân đến khám, làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng (ELISA).

Sán lá gan lớn tồn tại dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và các loại rau thủy sinh. Người mắc bệnh khi ăn sống các loại rau như rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen… hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn. Bệnh gây ra những ổ áp xe ở gan và có thể gây ra các tổn thương khác nhau tại các vị trí sán ký sinh khi chúng lạc chỗ.

Sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan. Người bị nhiễm bệnh do ăn cá nước ngọt còn sống như gỏi cá hoặc chưa được nấu chín kỹ có nang ấu trùng sán.

Các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh sán lá gan thường gặp ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh, ước tính hàng năm có gần 6.000 người nhiễm bệnh.

Tại CDC Nghệ An, năm 2023 ghi nhận 12.900 lượt người đến thăm khám, trong đó có 5.406 người nhiễm sán lá gan. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, có 2.011 lượt người đến khám, trong đó hơn 50% bị nhiễm bệnh.

Sán lá gan: Bệnh từ miệng- Ảnh 2.

Mới đây, anh Trần H.T. (45 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An) thường xuyên bị mệt mỏi, đầy bụng, đau đầu, đau ở vùng ngực và thắt lưng. Nghĩ bị cảm cúm nên anh T. tự mua thuốc uống nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Cuối tháng 4 vừa qua, anh T. được gia đình đưa đến CDC Nghệ An khám và phát hiện ổ sán lá gan lớn khu trú trong mật. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan, sán đang sinh sôi và lan ra nhiều bộ phận trong cơ thể.

Anh T. cho biết, thường có thói quen ăn lẩu, gỏi cuốn, rau sống. "Rất có thể sán trong thức ăn chui vào gan, vào mật âm thầm phá hủy cơ quan quan trọng này", anh T. nói.

Theo Bác sĩ CKI Phạm Đình Tùng, Phó Giám đốc CDC Nghệ An, nhiều người đang vô tình đưa sán lá gan vào cơ thể chỉ vì những món ăn khoái khẩu của mình.

Sán lá gan: Bệnh từ miệng- Ảnh 3.

Hình ảnh chụp tim phổi của một bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan.

Theo BS Phạm Đình Tùng, chu kỳ sinh trưởng của sán lá gan lớn bắt đầu khi sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân.

Khi trứng sán xuống nước, nở ra ấu trùng lông. Ấu trùng lông xâm nhập vào một số loài ốc, là vật chủ trung gian thứ nhất. Trong ốc, ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng đuôi. Sau đó, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau thủy sinh, tạo thành nang trùng hoặc bơi tự do trong nước.

"Người, trâu, bò, cừu, dê... ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước chưa nấu chín có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn. Do đó, thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, ngó sen hoặc ăn ốc chưa nấu chín kỹ có thể khiến người dân vô tình đưa sán lá gan lớn vào cơ thể", BS Phạm Đình Tùng cho biết. 

Theo đó, khi nhiễm sán lá gan lớn, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc, sau đó đến gan và xâm nhập vào nhu mô gan, gây tổn thương gan. Đây là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất, với kháng thể IgG xuất hiện sau 2 tuần.

Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở nhu mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi cả trong bao khớp.

Sán lá gan: Bệnh từ miệng- Ảnh 4.

Sán lá gan lá loại sán có hình dạng như chiếc lá, thường sống ký sinh chủ yếu ở trâu, bò, chó mèo, ốc. Ấu trùng sán thường đóng kén trên các thực vật thủy sinh.

Thứ hai, giai đoạn xâm nhập vào đường mật. Sau khi xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán di chuyển vào đường mật, phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Nếu không được phát hiện và điều trị, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm. Tại đường mật, sán gây tổn thương biểu mô đường mật, dẫn đến tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, cũng như viêm tụy cấp.

Bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường có triệu chứng đau ở vùng hạ sườn phải lan ra phía sau, hoặc đau ở vùng thượng vị và mũi ức. Triệu chứng đau không đặc hiệu, có thể là đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, hoặc đau tức. Trong một số trường hợp, không có triệu chứng đau bụng.

Ngoài ra, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, và buồn nôn. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của các biến chứng như tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, và xuất huyết tiêu hóa. Gan có thể to hoặc bình thường, mật độ mềm và ấn đau. Phản ứng viêm có thể gây đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da, và dị ứng da, gặp ở 20-30% bệnh nhân, với các nốt sẩn trên da thường xuất hiện ở đùi, mông, và lưng, gây cảm giác ngứa, bứt rứt và khó chịu.

Bệnh nhân cũng có thể bị ho, khó thở, hoặc xuất hiện các ban dị ứng và mẩn ngứa ngoài da. Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, và sốt. Sốt có thể thất thường, có khi sốt cao, rét run, hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi hết, đôi khi kéo dài. Tràn dịch màng phổi cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tại nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân, hoặc các cơ quan khác.

Sán lá gan: Bệnh từ miệng- Ảnh 5.

Ngó sen là một trong những nguồn lây truyền sán lá gan.

Theo lãnh đạo CDC Nghệ An, việc phát hiện chủ động nhiễm sán lá gan ở Nghệ An còn rất kém. Đa phần người dân chỉ khi có triệu chứng, đi khám bệnh mới bất ngờ được phát hiện mắc bệnh.

Theo đó, nhiều người từng được chẩn đoán mắc các bệnh như u, ung thư não, gan, phổi, nhưng sau khi đến đây và được xét nghiệm, nguyên nhân chính xác được phát hiện là do ổ áp-xe của ấu trùng giun, sán.

"Để phòng chống bệnh sán lá gan, người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn sống các loại rau mọc dưới nước khi chưa được rửa sạch. Ngoài ra, cần tránh uống nước lạnh chưa được đun sôi hoặc lọc kỹ. Khi nghi ngờ nhiễm sán lá gan, người dân cần phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời’, BS Phạm Đình Tùng khuyến cáo.

Nhiễm bệnh từ thú cưng: Bác sĩ khuyến cáo người nuôi cách phòng tránh lây bệnhNhiễm bệnh từ thú cưng: Bác sĩ khuyến cáo người nuôi cách phòng tránh lây bệnh

SKĐS - Nuôi thú cưng đang trở thành trào lưu, sở thích của nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên, chủ nuôi không nhận thức được rằng họ có nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm từ thú cưng nếu không biết cách phòng tránh.

Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn