Đã lỗi thời những trận cười cho tiêu bữa cơm chiều; đã ế ẩm sự nhàm chán của cách khai thác đề tài và lối diễn nhớ ý cương lời cũng như cách dàn dựng cấp tập chớp nhoáng theo kiểu “mỳ ăn liền”, Sân khấu Việt Nam dường như đang quay lại tìm diện mạo thật của chính mình mà “Hamlet” của Nhà hát kịch Việt Nam là một trong những điểm sáng.
Chọn Hamlet của Shakespeare để đưa lên sàn diễn là một thử thách đối với Nhà hát kịch Việt Nam trước sân khấu và khán giả hiện nay. Mặt khác, Hamlet đã xuất hiện quá nhiều bởi kịch Shakespeare đa tầng và mỗi khi lên màn ảnh, sân khấu, các đạo diễn thường khai thác từng vỉa tầng đưa vào tác phẩm của mình. Có bản diễn nhấn vào cuộc báo mộng như kết quả đã biết rõ buộc nhân vật phải hành động như thế nào trước thế lực quyền uy đè lên Hamlet để khai thác xung đột giữa nhận thức và hành động. Bản diễn khác lại làm mờ đi cảnh báo mộng để nhân vật nghi ngờ cái chết của Vua-cha từ đó là cả một hành trình đi tìm sự thật với triết lý “tôi tư duy thì tôi tồn tại”. Mỗi một tác phẩm nói chung hay Hamlet nói riêng của Shakespeare xuất hiện trên sân khấu điện ảnh Việt Nam và thế giới là mỗi một thông điệp riêng của tập thể sáng tạo từ chất liệu Shakespeare mà vẫn không làm mất đi tinh thần của tác phẩm.

Một cảnh trong vở kịch Hamlet.
Nhà hát kịch Việt Nam qua Hamlet đã có một bản diễn độc đáo của mình, dường như đã tìm lại được danh hiệu “Anh cả đỏ” trong quá khứ với cách tiếp cận tác phẩm bằng tâm hồn Việt, cách nhìn cách nghĩ Việt, lối dựng lối diễn Việt nhưng cũng rất Shakespeare. Mạch kịch không thay đổi đã thể hiện Shakespeare bằng lối “kể” rất Việt từ nhịp trống, trang phục, đến mảng miếng đậm chất truyền thống là một đóng góp đáng ghi nhận của đạo diễn Anh Tú và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam.
Với Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam, tình yêu được khai thác triệt để và bật lên chủ đề tình yêu-quyền lực rất riêng, không “đụng hàng” với bất cứ Hamlet nào trước đó. Vì tình yêu nên em giết anh để đoạt chị dâu. Cái “tình yêu” bất chính thác loạn ấy song hành suốt vở diễn với tình yêu trong sáng của Hamlet như một sự đối nghịch để rồi kết thúc vở diễn, những gì cướp được bằng tội ác và thủ đoạn bỗng thành vô nghĩa. Lưỡi gươm của Clôđiut đâm vào người tình và vào chính mình là một sáng tạo làm rõ hơn thông điệp của vở diễn.
Mạch kịch tình yêu-quyền lực xuyên suốt vở diễn với những lớp kịch khá lý thú. Cảnh Clôđiut đối thoại với chính mình ở phía - sau - ngai - vàng là lớp diễn ấn tượng mang được triết lý sâu xa. Đằng sau ngai vàng, nhân vật dằn vặt về tội lỗi của mình, cầu mong rửa sạch được tội lỗi để ngai vàng cũng xoay cùng nhân vật nhưng khi ngồi trên ngai vàng thì nhân vật lại có một gương mặt khác, hoàn toàn đối lập. Nhân vật Hoàng hậu cũng được khai thác triệt để giữa tình mẹ với Hamlet và kẻ phản bội chồng với Clodiot.
Đáng chú ý nhất là cặp diễn viên Tạ Tuấn Minh và Khuất Quỳnh Hoa trong vai Hamlet va người yêu của anh. Bấy lâu sân khấu Việt thường bị diễn viên nắm ý rồi “phiêu” lời thoại và áp dụng vào vở diễn này là “giết” Shakespeare. Kịch của ông vốn là thơ với cấu trúc lời thoại dài, bóng bảy. Việc Tạ Tuấn Minh giữ được hồn văn Shakespeare là một cố gắng lớn khi mà chuyện diễn viên hiện nay học thuộc lòng, tôn trọng kịch bản không phải là phổ biến. Hai nghệ sĩ Tuấn Minh và Quỳnh Hoa đã đem đến cho vở diễn sự tươi trẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối lập với “tình yêu” của Vua-Hoàng hậu. Đất diễn của hai nghệ sĩ trẻ đa dạng khi bóng đen quyền lực đè nặng. Hamlet Tuấn Minh yêu phải giả điên, bịt chặt tiếng đập trong trái tim mình trước người yêu để đóng kịch trước ông chú không phải là một vai diễn dễ dàng song diễn viên đã đem lại cho khán giả hài lòng bằng cách cắt nghĩa nhân vật qua những tìm tòi sáng tạo khi xây dựng hành động kịch của mình.
Có thể nói đạo diễn Anh Tú đã tổ chức hành động kịch một cách tinh tế. Mạch tình yêu-quyền lực vốn là hành động xuyên suốt và với 6 tiếng nếu diễn đủ, Anh Tú đã rút gọn và tập trung để làm rõ mạch kịch chính. Quanh Hamlet là những kẻ theo dõi và cả vị quan đầu triều bảo vệ Hamlet để chứng minh hay xóa tan nghi ngờ trong Clodiot. Việc cha “gàn” con gái yêu Hamlet để giải thích với Vua về thái độ bất thường của Hamlet là vì tình chứ không phải vì cái chết của cha được nhấn mạnh là một cách nhìn đúng về nhân vật. Rất tiếc, lớp “đâm chuột” lại lướt quá nhanh và nếu như làm kỹ hơn để nhân vật “nhận biết” ra nhau hẳn mạch kịch sẽ dày dặn hơn. Cứ mong sự hỉ hả của Hamlet khi “đâm chuột” và thái độ nhân vật khác hẳn khi nhận ra đâm nhầm rõ hơn. Ngược lại, vị quan đầu triều trước khi chết phải có câu gì đó, hành động gì đó thể hiện yêu thương với Hamlet thì hành động nhân vật ở lớp trước được làm rõ và bất ngờ hơn với khán giả.
Điểm đáng mừng của Hamlet - Nhà hát Kịch Việt Nam là bứt ra khỏi lối mòn với những nhàm chán đã xảy ra. Cứ kịch “Tây” là phải trang phục như “Tây” hoặc hồn hiện về là phải có khói phun và xô vải trắng bay phấp phới chẳng hạn! Anh Tú đã vượt qua lối mòn để hồn và người là cuộc gặp thật như một sự nhận biết từ trong chính nhân vật chứ không phải sự nhận biết được tiếp nhận từ bên ngoài. Đó cũng là cách lý giải nhân vật trong điều kiện “cô đúc” kịch bản cho trọn vẹn trong chỉ hơn 2 tiếng. Từ sáng tạo này, đạo diễn đã tiếp tục đem vào vở diễn một thái độ riêng, cách lý giải Hamlet rất riêng từ bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Dựng kịch Shakespeare ngoài chuyện hiểu Shakespeare còn là-quan trọng hơn- khai thác Shakespeare như thế nào. Cách khai thác Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam cho thấy sân khấu Việt Nam đủ khả năng tiếp cận, thể hiện được các kiệt tác của nhân loại trước một đối tượng cụ thể, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
Những “hề kịch” đang ngắc ngoải trong nhạt nhẽo; những vở diễn ế ẩm dập khuôn với hai phần chiến tranh ùng oàng để sau đó hòa bình, người tốt chịu thiệt thòi, kẻ xấu thăng tiến! Sân khấu đang tìm về giá trị nghệ thuật đích thực của mình với những vở diễn có nội dung sâu sắc với cách dàn cách diễn chỉn chu nghiêm túc mà Hamlet của Nhà hát Kịch Việt nam là một điểm nhấn.
Lưu Thủy