Đó là chia sẻ của NSND Doãn Châu - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam với PV báo Sức khỏe&Đời sống. Đã ở tuổi bát thập nhưng NSND Doãn Châu luôn khắc khoải về một thời vàng son của nghệ thuật sân khấu. Nay ở tuổi “xưa nay hiếm”, NSND Doãn Châu vẫn đau đáu với sự tồn tại và phát triển sân khấu nước nhà trong thời hội nhập.
Hơn nửa thế kỷ gắn với nghiệp sân khấu, NSND Doãn Châu đã thiết kế khoảng 400 vở diễn cho hầu khắp các đoàn nghệ thuật phía Bắc với nhiều Huy chương Vàng, Bạc từ các hội diễn toàn quốc. Để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả là các vở diễn Hà My của tôi, Đỉnh cao mơ ước, Sống mãi tuổi 17, Vua Lia, Rừng trúc...
Họa sĩ - NSND Doãn Châu bên cạnh bức chân dung tự họa.
- Là người gắn bó với nghệ thuật sân khấu nhiều chục năm và có thời gian học tập tại nước ngoài, ông có thể đưa ra nhận định sân khấu Việt hiện nay và trước đây có gì đáng chú ý?
NSND Doãn Châu: Thời tôi, sân khấu luôn đưa vào những điều “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Bây giờ, một số bài hát được truyền thông rộng rãi nhưng lại ít tính giáo dục, tính thẩm mỹ được đưa vào vở diễn. Tôi đồng ý với ca sĩ Tùng Dương khi phản hồi bài hát vô cảm của Dương Khắc Linh trong chương trình “The Face”. Ai có thể cho tôi biết bài Không phải dạng vừa đâu của Sơn Tùng có ý nghĩa gì không? Có những làn sóng dư luận hùa theo để những bài hát, giọng hát không đâu ra đâu nổi như cồn một thời, như trường hợp Lệ Rơi. Theo tôi, sân khấu đâu có nghĩa chỉ là giải trí, chúng ta phải lồng ghép những bài học, đạo lý tốt đẹp vào đó để xem nghệ thuật cũng là cách tiếp thu tri thức.
Chúng ta đã từng có vai diễn kinh điển như Tơ - Chia của Đào Mộng Long, Trung úy Phương của Thế Anh, Nghị Hách của Trọng Khôi, Đề Thám của Đoàn Dũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật sân khấu. Nhưng ngày nay, diễn viên của ta diễn vai nào cũng như vai nào, không để lại nét riêng biệt gì. Họ phải để lại ấn tượng từ cái chỉ tay, cái rẽ ngôi chứ không thể chung chung được.
- Ông có thể cho biết những tồn tại hiện nay của sân khấu Việt Nam?
NSND Doãn Châu: Có thể nói tồn tại, yếu kém nhất của ngành sân khấu Việt Nam là bỏ qua con đường chính thống và đang đi theo con đường thị trường. Tất cả các bộ phận đều có dấu hiệu đi xuống, từ đạo diễn, diễn viên, kịch bản, ánh sáng, âm nhạc,... trừ một điều đi lên đó là cách làm ăn theo cơ chế thị trường để câu khách. Họ làm việc sáng tác hay biểu diễn chỉ làm thế nào để thu hút nhiều độc giả với chiêu trò PR mà không đi theo lối làm học thuật. Đây là một sự xuống cấp đáng báo động của ngành sân khấu Việt Nam hiện giờ.
- Bên cạnh những yếu kém ông vừa nêu thì tiềm năng của sân khấu Việt Nam là gì?
NSND Doãn Châu: Tiềm năng của ngành sân khấu Việt Nam là kiếm được nhiều tiền, nhưng chính điểm mạnh đó lại kéo theo những yếu kém cần phải chấn chỉnh tức thời. Trữ lượng, nguồn, kênh thông tin của dân ta lúc nào cũng đầy ắp, con người ta có tư chất nghệ thuật nhưng nó chỉ như mầm non ở sâu trong lòng đất cần có người đào xới lên. Nói một cách khác, tiềm năng ngành sân khấu của ta lớn nhưng chưa có người kích thích và hướng dẫn để nó có thể trỗi dậy đúng nghĩa.
- Với những yếu kém đó, ông có thể đưa ra những hướng giải quyết nào?
NSND Doãn Châu: Theo tôi, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần khẩn trương có định hướng và quyết liệt để sân khấu Việt Nam quay về con đường chính thống, bài bản. Nếu không, mai một nghệ thuật truyền thống là điều tất nhiên.
Nhiều lúc tôi nghĩ, ở nước ta đã từng bỏ tiền tỷ ra để xây sân bóng nhưng lại chưa có đầu tư đúng mức cho các nhà hát. Hiện nay, chưa có một nhà hát nào ra nghĩa một nhà hát đúng nghĩa. Với tư cách cá nhân, tôi mong muốn Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị cho ngành sân khấu. Chúng ta đã có bảo tàng chiến tranh nhưng tại sao lại không có bảo tàng sân khấu? Để rồi cho con em chúng ta có thể tự hào hay du khách nước ngoài có thể ngỡ ngàng khi tìm hiểu về Lưu Quang Vũ là ai? Đào Tấn làm tuồng thế nào? Thế Lữ làm kịch ra sao?
- Nếu được xây dựng bảo tàng sân khấu thì theo ông, để quản lý và tận dụng tối đa bảo tàng để thu hút người xem phải làm thế nào?
NSND Doãn Châu: Việc quản lý phải thuộc về Nhà nước, đi đôi với việc cần đào tạo đội ngũ trông coi bảo tàng, tất nhiên có cả những dịch vụ đi kèm nhưng nhỏ thôi. Bảo tàng sân khấu chỉ cần không gian nhỏ, ở Liên Xô còn có bảo tàng sân khấu đặt tại nhà riêng của một ông nghệ sĩ.
Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ những kỷ vật, âm thanh, hình ảnh quý báu liên quan đến sân khấu từ bao đời nay. Khi mở chúng tôi sẽ có chỗ mà bàn luận, nghiên cứu, trao đổi nghệ thuật với nhau và truyền cảm hứng cho mọi người. Chúng ta lâu nay toàn quen với học chay, nếu có nó học sẽ đi đôi với thưởng thức, vì thế sẽ tạo sự thích thú, tò mò cho người xem. Tôi tin rằng khi mở sẽ thu hút mọi người dân trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và cũng là cách gìn giữ những giá trị cổ truyền dân tộc.
- Trân trọng cảm ơn NSND Doãn Châu về cuộc trò chuyện này!