Ngày 14/4 vừa qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu (SK) mới tiến hành trao giải thưởng thường niên của Hội cho các vở diễn và kịch bản SK của năm 2008. Dẫu có muộn màng nhưng vẫn là niềm vui trong sự mong đợi của các nghệ sĩ.
30 kịch bản SK trên tổng số 200 kịch bản gửi về Hội đã được trao giải: 1 giải B (không có giải A), 18 giải C, 11 giải khuyến khích. Về vở diễn SK cũng không có giải A, Hội đồng nghệ thuật trao 1 giải đặc biệt, 4 giải B, 2 giải C, 1 giải khuyến khích.
Cảnh trong vở chèo Đêm trắng (Giải B) |
SK tồn tại bằng mâu thuẫn, trông mong vào sự cấu trúc các mâu thuẫn nội tại, ngoại tại. Mâu thuẫn càng khốc liệt thì tính hấp dẫn của vấn đề và kịch tính càng trở nên hay. Trong cuộc sống hôm nay, có quá nhiều mâu thuẫn hàng ngày chúng ta nhìn thấy ở đây đó như chuyện đất cát, chuyện lạm dụng trẻ em, chuyện tham ô của quan chức..., nhưng SK chưa dám đụng đến dạng đề tài "tế nhị" này.
Thế nhưng đó không chỉ là chuyện của SK năm nay mà đã là chuyện của SK năm trước, năm trước nữa và lạy giời, đừng là chuyện của SK những năm sau này. Kịch bản không có giải A, vở diễn không có giải A. Người ta đùa nhau: không có giải A thì giải B coi như giải A! Nhưng vàng là vàng, mà bạc là bạc. Chính NSND Doãn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng phải thừa nhận rằng: Không phải Hội quá khắt khe mà muốn đề cao chất lượng giải thưởng. SK luôn luôn chờ đợi những tác phẩm có sự đột biến, nhưng mấy năm nay hiếm có điều đó.
200 kịch bản Hội đồng thẩm định đọc trong năm 2008 chỉ trao được 1 giải B cho Tình sử Thăng Long của tác giả Nguyễn Quang Lập thì người ta có thể dự đoán tình hình vở diễn SK năm 2009 sẽ thế nào. Dù là người luôn lạc quan và từng được mệnh danh là "phù thủy sân khấu" khi luôn biết thổi hồn vào các vở diễn và tung ra các chiêu ngoạn mục để tăng sức hấp dẫn, thu hút khán giả thì với cả đống kịch bản như vậy, đạo diễn Doãn Hoàng Giang bảo cũng khó tìm được kịch bản gây hứng thú cho mình. Theo ông, trong nghệ thuật - muốn hay không muốn thì vấn đề tư tưởng của tác phẩm là rất quan trọng, cả 200 kịch bản đọc chưa thấy những cái khám phá về mặt tư tưởng, chỉ là những vở đơn giản, sơ lược, thậm chí có kịch bản hời hợt. Chưa kể kỹ thuật viết còn nhiều hạn chế, có nhà văn viết ngôn ngữ hay thì thiếu tính kịch, còn người nắm được nghệ thuật viết kịch thì lại thiếu tính văn học. Nhân vật là cốt lõi của kịch bản thì ở đây thiếu các nhân vật có tính cách sâu sắc mà chỉ là những nhân vật bình thường, đặc biệt còn thiếu vắng những nhân vật thời đại.
Vì thế mà trong đa phần các vở diễn hôm nay, các nhân vật trên SK bàn các chuyện dường như chẳng quan thiết gì tới khán giả. Phải thế chăng mà các vở diễn cứ trôi đi trong sự lặng lẽ, ít có sự hồi âm.
Ngày hôm nay ít cây bút chịu thay đổi về mặt quan niệm đối với cuộc sống. Cuộc sống hôm nay đòi hỏi phải được nhìn đúng dung mạo của nó. Vì thế người viết phải có một quan niệm nhân văn khác, một cách ứng xử khác và phải được đặt trong mối tương quan mới. Nếu không có một cách tư duy mới, không có tác dụng với ngày hôm nay thì chắc chắn rằng SK vẫn tiếp tục khó lôi kéo khán giả và nếu chúng ta không biết đòi hỏi và tự đòi hỏi thì SK lại vẫn tiếp tục với sự băn khoăn này.
Lan Hương