Hà Nội

Sân khấu truyền thống và khán giả hôm nay

04-10-2013 07:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống (SKTT) là khát vọng không chỉ của giới sân khấu mà là đòi hỏi của toàn xã hội. Vốn quý cha ông để lại là tài sản vô giá cần được đi vào cuộc sống hôm nay để các thế hệ nối tiếp không thể quên được “đặc sản văn hóa dân tộc”.

Bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống (SKTT) là khát vọng không chỉ của giới sân khấu mà là đòi hỏi của toàn xã hội. Vốn quý cha ông để lại là tài sản vô giá cần được đi vào cuộc sống hôm nay để các thế hệ nối tiếp không thể quên được “đặc sản văn hóa dân tộc”. SKTT không chỉ phải được bảo tồn như di sản cha ông cần được lưu giữ mà phải được phát triển, thích ứng hoàn cảnh mới trong quá trình vận động để di sản cha ông được phát triển trong đời sống hiện tại.

Sân khấu nói chung, nhất là phía Bắc đang khủng hoảng về khán giả. Khác với mọi sản phẩm trong xã hội, sân khấu không có khán giả thì sản phẩm sân khấu không tồn tại. Mỗi vở diễn là một công trình văn hóa được đầu tư từ ngân sách, nghĩa là bằng tiền thuế của dân, nếu không có khán giả sẽ thành công trình lãng phí, thiếu khả thi như những công trình xây chợ nhưng không ai vào mua bán hoặc xây sân vận động hoành tráng nhưng ít sử dụng ngoài đôi buổi míttinh trong năm.

Việc tìm đến khán giả của sân khấu là cả một quá trình đầy cam go và chèo, tuồng, cải lương lại càng khó khăn hơn. Làm thế nào để nghệ thuật SKTT tiếp cận được với công chúng hôm nay một cách rộng rãi nhất để mọi tầng lớp, mọi thế hệ yêu SKTT, tự hào về di sản cha ông để lại cũng như phát triển nó là câu hỏi trăn trở của những nhà làm sân khấu. Khán giả là một thành phần của sân khấu, thế nhưng khán giả xưa và khán giả nay không phải là một và việc tìm tòi, cách tân là một tất yếu.

Tất nhiên, không có một đơn vị sân khấu nào hoặc bất cứ cách tân sân khấu nào muốn xóa bỏ nghệ thuật sân khấu vốn là đặc sản văn hóa của dân tộc, vốn là niềm tự hào của mỗi con dân nước Việt. Hiện các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đều có những tiết mục tuồng cổ, chèo cổ được các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp biểu diễn. Nhưng chỉ như thế thì đơn vị SKTT sẽ chỉ là nhà bảo tàng sống khi mà sân khấu dù hiện đại hay truyền thống cần phải được sống trong lòng công chúng hôm nay với sự thích ứng theo cuộc sống hiện đại. Vấn đề bảo tồn và phát triển nhiều khi xung đột nhau giữa vốn cổ và nhu cầu không chỉ có trong SKTT mà còn có trong những lĩnh vực khác như nhà cổ, phố cổ, làng cổ khi mà vốn cũ không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Sân khấu truyền thống và khán giả hôm nay 1
 Vở chèo Nàng Sita “sống” được trong công chúng vì có sự cải biên thích ứng cuộc sống hiện tại.

Trong quá trình vận động, sân khấu phải phát triển nhưng phát triển ra sao khi trong quá trình tìm tòi phát triển đã có không ít ý kiến lo lắng việc “phá tuồng”, “không còn là chèo”! Kính trọng di sản cha ông là giữ nguyên di sản ấy hay phải phát triển di sản ấy để đi vào cuộc sống hôm nay một cách phong phú hơn. Tuồng cổ xưa chỉ là đề tài trung quân ái quốc hoặc chèo cổ chủ yếu đi vào giáo lý. Và khán giả của tuồng cổ, chèo cổ xác định quy ước ấy khi tiếp nhận tác phẩm nên chuyện tự giết con cứu vua hay nhờ vợ nuôi bạn ăn học trong 3 năm hoặc Thị Kính là nữ phải chịu oan làm Thị Mầu chửa hoang chỉ là sự minh định về lòng trung quân, về chữ nhẫn có tính công thức. Khán giả hôm nay đến với sân khấu, kể cả với SKTT là đi tìm hiện thực cuộc sống thể hiện qua tác phẩm nên sự minh định trên nhiều khi trở thành áp đặt, xa lạ và vô lý trước hiện thực. Về hình thức, khán giả xưa vốn thường không đi đâu xa ngoài lũy tre làng nên chèo sân đình phù hợp với đối tượng khán giả bấy giờ. Khán giả hôm nay không như trước và sân khấu chèo không thể mãi là chiếu chèo sân đình mà phải thể hiện trong sân khấu hộp với ánh sáng, phục trang, cảnh trí hiện đại. Về tiết tấu, phải bắt đầu từ nội dung.

Chèo giáo lý xưa nhâm nha bởi chuyện trong làng trong xóm, công chúng đi bộ, thi thoảng có người cưỡi ngựa, còn công chúng trong thời đại công nghiệp hôm nay đi xe máy, ôtô, máy bay. Thông tin xưa chậm và hôm nay dẫu ở góc làng sau một cú nhấp chuột dân đã biết chuyện trên thế giới cách cả chục ngàn cây số, vừa xảy ra chỉ sau vài giờ. Vì vậy, tiết tấu như xưa cũng khó lòng vẫy gọi công chúng, nhất là lớp trẻ khi mà nhịp sống công nghiệp và lượng thông tin hôm nay đầy ăm ắp.

Bên cạnh việc bảo tồn vốn cổ, việc phát triển vốn cổ trong SKTT là một đòi hỏi bức thiết. Phát triển để SKTT đi được vào công chúng hôm nay nhưng không đánh mất  đặc trưng loại hình là sự “hiếu đễ” nhất đối với di sản cha ông để lại. Một hiện tượng sân khấu gần đây là vở diễn Vương nữ Mê Linh của Nhà hát Chèo Hà Nội đã có những tìm tòi để thể hiện sự “hiếu đễ” này. Đạo diễn Thúy Mùi đã cho cả cải lương, tuồng vào vở diễn của mình nhưng không thành “lẩu” mà chất chèo càng rõ hơn. Với thời đại thông tin hiện nay, sự giao thoa, tiếp thu các loại hình bạn là cần thiết. Trước có chèo sân đình, nay sao không thể có chèo sử thi được thể hiện trên sân khấu hộp một cách hoành tráng? Từ những vấn đề trên sẽ nảy ra chuyện tiếp cận và đánh giá những tác phẩm SKTT hôm nay. Đó là tuồng cổ, chèo cổ và tuồng hôm nay, chèo hôm nay.
 
Các cuộc liên hoan, hội diễn hay thi sân khấu nên có những giải riêng cho tác phẩm chèo tuồng truyền thống và chèo tuồng mới như trong ca khúc có dòng nhạc nhẹ, dòng nhạc thính phòng và dòng nhạc dân ca. Nói là “dòng” bởi thi hát ca khúc dân ca chẳng hạn thì bài hát không phải nguyên là dân ca mà mang hồn cốt dân ca, trang phục ca sĩ cũng rất hiện đại, còn thi hát dân ca thì là hát những bài cổ từ xưa để lại. Sân khấu truyền thống cũng vậy. Có thể thi các tác phẩm hay trích đoạn như Thị Màu lên chùa, Châu Sáng qua sông, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo... để đánh giá việc bảo tồn. Và cũng có thể thi các tác phẩm chèo mới, tuồng mới để đánh giá những tìm tòi cho sự phát triển của SKTT. Tất nhiên, “sự phát triển” ở đây là giữ được đặc trưng loại hình truyền thống nhưng phù hợp với hôm nay, được công chúng chấp nhận và yêu thích.

Đã đến lúc (nói như GSTS.NSND Đình Quang) các đơn vị SKTT bên cạnh việc lưu giữ vốn cổ cần có những tìm tòi mới, phát triển chèo tuồng của cha ông để lại sao cho chèo tuồng đi vào đời sống và công chúng yêu di sản ông cha hơn để di sản cha ông ngày một phong phú hơn. Chỉ loanh quanh sao cho giống xưa là một sự ăn bám quá khứ làm cho di sản ông cha có thể mờ nhạt, nghèo đi trước cuộc sống phát triển ngày một phong phú và đa dạng.

Và cuối cùng, dù tác phẩm sân khấu là bảo tồn hay tìm tòi phát triển truyền thống nhưng không đáp ứng được yếu tố đầu tiên là vẫy gọi được khán giả thì sân khấu vẫn nằm trong cơn lốc khủng hoảng, mặc dù khán giả chưa phải là thước đo duy nhất.

LÊ QUÝ HIỀN

Ý kiến của bạn