Sân khấu “sống khỏe” từ tác phẩm văn học

02-04-2018 09:06 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Khi nghệ thuật sân khấu thiếu những kịch bản hay và chất lượng; giới làm nghề đã lựa chọn tác phẩm văn học để chuyển thể, dàn dựng thành tác phẩm sân khấu phục vụ khán giả. Thực tế chứng minh, nhiều tác phẩm văn học đã “bén duyên” sân khấu, qua đó đem đến cho người xem không ít vở diễn giàu giá trị, thông điệp nghệ thuật.

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm văn học được nhiều nhà hát chuyển thể và đưa lên sân khấu kịch trong thời gian qua. Từ tháng 3/2018, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM chính thức đem đến cho khán giả vở múa Kiều dàn dựng theo Truyện Kiều nhưng phiên bản sân khấu có sự mới lạ, độc đáo. Trước hết, vở múa Kiều có sự kết hợp của các nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc tham gia, biên đạo múa là nghệ sĩ Chun Yoo Oh của Hàn Quốc. Khi xem vở múa Kiều, khán giả nhận thấy sự độc đáo là có sự pha trộn, đan xen giữa nghệ thuật múa với âm nhạc của loại hình ca trù, các nhạc cụ dân tộc như đàn đá, đàn T’rưng, sáo trúc, đàn tỳ bà…vừa mang đậm tính truyền thống nhưng có kết hợp yếu tố hiện đại. Qua cái nhìn mới mẻ của nghệ sĩ Chun Yoo Oh, vở múa Kiều không diễn tiến theo tình tiết thời gian như trong tác phẩm gốc của Nguyễn Du mà đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, theo cảm xúc và tâm lý nhân vật. Những ý tưởng trong vở múa Kiều đưa công chúng ngược dòng quay về quá khứ tìm những giá trị nhân sinh quan trong một xã hội hiện đại.

Cảnh trong vở múa Kiều (biên đạo múa Chun Yoo Oh) do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện, công diễn từ tháng 3/2018 tại TP.HCM.

Cảnh trong vở múa Kiều (biên đạo múa Chun Yoo Oh) do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện, công diễn từ tháng 3/2018 tại TP.HCM.

Trước đó, năm 2017, Nhà hát kịch Việt Nam cũng tạo tiếng vang từ việc biểu diễn vở Kiều (Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều) tại Hà Nội. Đạo diễn vở Kiều là NSND Anh Tú, bằng các thủ pháp nghệ thuật sân khấu đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo chà đạp thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Thông qua câu chuyện cuộc đời nàng Kiều, vở diễn của NSND Anh Tú còn ca ngợi vẻ đẹp con người, đó là vẻ đẹp của tài sắc, tình yêu, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung… bên cạnh nhiều thử nghiệm mới khi kết hợp các hình thức hát, múa và hình thể… Đặc biệt, vở Kiều của Nhà hát kịch Việt Nam tạo ấn tượng hình ảnh hoa sen được sử dụng xuyên suốt vở diễn nhằm truyền tải thông điệp cuộc đời một con người: lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời.

Cũng năm vừa qua, vở kịch Con nhà nghèo do nghệ sĩ Viễn Hùng chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh do sân khấu kịch Hồng Vân thực hiện đã được người xem dành nhiều lời ngợi khen. Vở kịch Con nhà nghèo có kết cấu lạ, không gian trên sân khấu được thay đổi liên tục. Đặc biệt, sự xuất hiện của các tuyến nhân vật đều rất hài hước xen lẫn cái bi hài trong cảnh sống màn trời chiếu đất, đến vùng đất mới sinh sống khiến khán giả phải bật cười nhưng cũng đầy suy ngẫm, thấy chua chát với những thân phận người hoặc có những góc khuất, sự bất công trong xã hội Việt những năm đầu thế kỷ XX.

Ngược dòng thời gian, Cánh đồng bất tận (đạo diễn Minh Nguyệt) phiên bản kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng tạo “cơn sốt” phòng vé tại TP.HCM. Vở kịch Cánh đồng bất tận đã cố gắng bám khá sát tinh thần của nguyên tác, đồng thời đưa vào một vài chi tiết và tình huống mới. Hiệu quả của màn hình chiếu, ánh sáng, âm nhạc và diễn xuất của diễn viên Khánh Hoàng (vai Út Vũ), Thanh Thủy (Sương), Cát Phượng (Nương), Hoàng Thành (Ðiền) đã để lại những khoảnh khắc đẹp trên sân khấu, chinh phục nhiều khán giả khó tính nhất. Ngoài ra, nhiều nhà hát nước ta cũng từng chuyển thể các tác phẩm văn học thành vở diễn sân khấu có tính sáng tạo, nghệ thuật cao như: Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Giông tố (tác giả Vũ Trọng Phụng); Tắt đèn (Ngô Tất Tố); Chí Phèo (Nam Cao); Cuộc phiêu lưu những bức thư tình (Nguyễn Đông Thức); Chiều vắng, Dòng nhớ (Nguyễn Ngọc Tư); Trăng nơi đáy giếng (Thùy Mai)...

Nhiều đạo diễn sân khấu cho rằng, đưa tác phẩm văn học lên sàn diễn là một lợi thế khi tác phẩm đã được thẩm định bởi thời gian và độc giả. Nhưng cũng lại là sự trải nghiệm mạo hiểm nếu đạo diễn non nghề không chuyển tải được cái “thần” của tác phẩm, đặc biệt không làm nổi bật được nhân vật điển hình trong truyện. Giới nghệ sĩ sân khấu thừa nhận, không phải tác phẩm văn học nào đưa lên sân khấu đều thành công. Khi tay nghề của đạo diễn “non”, các nhân vật do nghệ sĩ đảm nhận diễn chưa tới sẽ có tác dụng ngược lại. “Nhà biên kịch muốn chuyển thể thành công tác phẩm văn học thì bản thân họ phải đọc nhiều, cảm nhiều thì ắt sẽ dàn dựng thành công trên sân khấu” - đạo diễn Hạnh Thúy cho biết.

Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy, nhiều tác phẩm văn học nước ta thời gian qua được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu vẫn giữ được hồn cốt của tác phẩm, đem lại sức sống và khoác tấm áo mới kiêu sa cho tác phẩm văn học, đồng thời tạo ra vở diễn giá trị và tạo sức hút lớn với công chúng.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn