Sân khấu “lật tẩy” nhiều mặt trái

06-05-2017 06:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ thuật sân khấu thời gian qua đã có nhiều tác phẩm đặc sắc, đề cập đến các mặt trái của con người, xã hội, các vấn đề “nóng” của thời cuộc như nạn quan liêu, tham nhũng...

Nghệ thuật sân khấu thời gian qua đã có nhiều tác phẩm đặc sắc, đề cập đến các mặt trái của con người, xã hội, các vấn đề “nóng” của thời cuộc như nạn quan liêu, tham nhũng... nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của khán giả. Gần đây, vở  Bão của hoàng hôn của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân được công diễn rộng rãi đã để lại nhiều ấn tượng khó phai với người xem.

Như bao loại hình nghệ thuật khác, sân khấu là bộ môn hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, giúp người xem có được những cảm xúc vui, buồn; khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc... Cùng với đó, nhiều tác phẩm sân khấu đã luôn đề cập tới các vấn đề thời sự, nhiều góc khuất và “điểm nóng” của thời cuộc để giúp công chúng có cái nhìn đa chiều hơn về những gì đã, đang diễn ra xung quanh. Trong đó, việc lên án cái xấu, phơi bày những mặt tối, tiêu cực của xã hội nhiều lần được các nghệ sĩ đưa lên sân khấu.

Thời gian gần đây, khán giả đã được thưởng thức vở kịch nói Bão của hoàng hôn (kịch bản Vũ Thu Phong, đạo diễn NSND Lê Hùng) do các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Công an nhân dân thể hiện. Trong khoảng thời gian hơn 2 tiếng, Bão của hoàng hôn đã đem lại nhiều cảm xúc lắng đọng đối với khán giả bởi liên tiếp các xung đột kịch diễn ra. Tác phẩm sân khấu này kể về “cơn bão cuối đời” dội xuống Thiếu tướng tình báo Công an nhân dân Trịnh Thắng (nghệ sĩ Nguyễn Đăng Hòa diễn xuất). Vì nhiệm vụ công tác, ông đã phải xa gia đình, xa quê hương biền biệt 28 năm. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân, với ngành công an, những tưởng Thiếu tướng Trịnh Thắng sẽ có thời gian chăm lo cho gia đình và an phận tuổi già thì những mâu thuẫn tại quê hương đã không cho ông được phép nghỉ ngơi. Những người có chức có quyền đã ngang nhiên cấu kết tham nhũng, tự ý bán đất của dân để trục lợi. Điều đau lòng, chính con trai Thiếu tướng Trịnh Thắng là người có chức quyền tại địa phương lại là người cầm đầu. Tuy nhiên, Thiếu tướng Trịnh Thắng đã không chấp nhận một người cán bộ tham lam, không vì dân, dù người đó là con trai ông. Bởi lẽ đó, Thiếu tướng Trịnh Thắng cùng đồng đội đã đưa sự việc ra ánh sáng của pháp luật, giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Theo NSND Lê Hùng, vở Bão của hoàng hôn là tiếng nói mạnh mẽ góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng, đó cũng là cuộc chiến mà mỗi người chiến sĩ công an đang phải đối mặt. Qua vở diễn này, các nghệ sĩ đã làm cho khán giả tin vào những tấm gương, những người lãnh đạo đặt tinh thần vì dân lên trên hết và Bão của hoàng hôn cũng nói về luật nhân quả trong cuộc đời chỉ có một “cốc lộc” trời cho.

Bão của hoàng hôn - vở kịch nói vừa ra mắt khán giả đề cập đến một số mặt trái trong xã hội được công chúng đón nhận, đánh giá cao.Bão của hoàng hôn - vở kịch nói vừa ra mắt khán giả đề cập đến một số mặt trái trong xã hội được công chúng đón nhận, đánh giá cao.

Ngược dòng thời gian, Nhà hát Kịch Việt Nam từng đem đến cho khán giả vở Những chấn động còn lại (tác giả Xuân Đức, NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn). Đây cũng là tác phẩm sân khấu đi vào những vấn đề nhức nhối của thời cuộc và tạo được ấn tượng mạnh với khán giả, bởi một câu chuyện rất hiện thực được gói gọn chặt chẽ, đầy ắp tình tiết trong tác phẩm. Những chấn động còn lại cho khán giả thấy mối quan hệ của những người từng là bạn bè chiến hữu, cùng sinh tử trong chiến tranh, nhưng lại đối mặt trong thời bình. Một vụ buôn lậu xuyên quốc gia trong đó tên trùm buôn lậu bị tử hình, nhưng kẻ bảo kê và đồng phạm là con trai một vị quan chức cao cấp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Một cán bộ Huyện ủy định tố cáo đường dây buôn lậu, lập tức bị bịt miệng bằng bản án oan là điệp viên CIA để rồi bị cách chức. Có người minh oan và được minh oan, có người biết mà phải vờ như không biết, rồi bị sát hại. Vụ án tưởng đã chìm lắng sau 20 năm nhưng hóa ra tội ác chồng chất vẫn để lại những hệ lụy tận sau này...

Theo nhà văn Xuân Đức - tác giả kịch bản vở Những chấn động còn lại, thông điệp của tác phẩm này chính là muốn nói đến cái ác nếu không xử lý triệt để sẽ để lại di họa khôn lường. Cái ác không bỗng dưng sinh ra, mà những gì xã hội chúng ta đang chứng kiến hôm nay, như nạn tham nhũng, tiêu cực, những vụ án oan... đều có mầm họa từ giai đoạn trước, thậm chí, ngay cả thời kỳ mới cái ác cũng đã được nuôi dưỡng, để giờ trở thành “di căn” trong xã hội.

Bên cạnh đó, Nhà hát Tuổi trẻ cũng từng giới thiệu đến khán giả cả nước tác phẩm sân khấu Tấm gương của tác giả Chu Thơm, đạo diễn - NSƯT Anh Tú. Nội dung của vở Tấm gương kể về một người có chức, có quyền, có địa vị trong xã hội nhưng đã bị lưu manh hóa đến mức nguy hiểm. Thông qua câu chuyện kịch, các nghệ sĩ muốn truyền tải thông điệp: cái xấu xa thường không dễ gì nhìn thấy ở vẻ bề ngoài, nó rất thâm hiểm, sâu kín, nhiều mánh khóe, nhưng kết cục nó cũng bị bóc trần và phải trả giá bằng chính những điều nó đã gây ra cho những người xung quanh, cho xã hội. Kẻ gây ra cái ác tưởng rằng mình đã cao tay hơn người, nhưng cao hơn tất cả, sáng suốt hơn tất cả là “Tấm gương ký ức của nhân dân” có thể soi hết mọi điều mà con người gây ra.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn