Trong khi phim điện ảnh, truyền hình khá nổi trội thì sân khấu kịch có phần im ắng ở thời điểm cận Tết. Đây là vấn đề chung hiện nay. Mô hình nhỏ như kịch cà phê cũng đang chịu cảnh ế ẩm vì nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này ngày càng giảm. Nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn và các tác phẩm nghệ thuật đang tìm cơ hội để được đặt chân lên những sân khấu lớn và chuyên nghiệp hơn.
Sự phát triển manh mún của kịch cà phê
Cũng giống như nhạc phòng trà, kịch cà phê được hiểu đơn giản là kịch diễn trong quán cà phê, thực khách vừa được thưởng thức đồ uống vừa được xem kịch. Từ một bục sân khấu nhỏ, hạn chế về cảnh trí, diễn viên diễn một vở kịch ngắn hay một đoạn tiểu phẩm. Kịch cà phê thời hoàng kim - khoảng năm 2010 đến 2012 - với dàn kịch mục lên đến hàng trăm vở của trên 20 nhóm kịch, có mặt tại các quán cà phê ở nhiều quận nội - ngoại thành. Mỗi nhóm lận lưng hàng chục vở, diễn luân phiên vào các tối, bất kể đầu, giữa hay cuối tuần, được khán giả, nhất là khán giả trẻ yêu thích yếu tố mới lạ nhiệt tình ủng hộ.
Sân khấu kịch cà phê là bước đệm cho các diễn viên trẻ có thể hướng tới sự chuyên nghiệp.
Kể từ khi mô hình kịch cà phê được nhân rộng tại Sài Gòn, bất kỳ khán giả nào muốn tìm một nơi để giải tỏa tinh thần sau những giờ học tập và lao động căng thẳng thì những không gian như cà phê Trầm chính là địa điểm thích hợp để “ghé thăm”. So với những vở kịch trên các sân khấu chuyên nghiệp kéo dài hàng tiếng đồng hồ thì loại hình sân khấu kịch ở quán cà phê chỉ tối đa chừng hai giờ đồng hồ. Sân khấu nhỏ chỉ đủ cho khoảng 5-6 diễn viên cũng như số ghế dành cho khán giả mỗi đêm chỉ dao động vài chục chỗ ngồi. Đa dạng ở mỗi thể loại từ tâm lý tình cảm, hài, trinh thám cho đến kinh dị... những vở kịch ở các quán cà phê dần thu hút giới trẻ vì giá thành khá “hạt dẻ”, chỉ tầm 90-120 ngàn đồng (được tặng kèm nước uống, wifi, bạn bè có thể quây quần bên nhau trong không gian ấm cúng). Tuy nhiên, nhịp sống tưng bừng của kịch cà phê tại Sài Gòn không hoàn toàn đồng nghĩa với việc loại hình nghệ thuật này đang “ăn nên làm ra”.
Trịnh Kim Chi - nghệ sĩ kịch nói kiêm diễn viên điện ảnh cho biết, lượng khán giả đến với sân khấu kịch ngày càng ít dần.
Đi sâu vào thể loại kinh dị, các vở diễn của kịch cà phê được đầu tư rất công phu từ chọn kịch bản, diễn viên, âm thanh, ánh sáng và được dàn dựng bởi các đạo diễn nổi tiếng. Có thể nói, kịch cà phê là một địa điểm tuyệt vời cho những bạn trẻ muốn trải nghiệm “cảm giác mạnh” với những vở diễn trinh thám, kinh dị đến “thót tim”.
Tuy nhiên, thực cho thấy sân khấu kịch KC ngày một thưa vắng người xem, phản ánh sự manh mún của loại hình sân khấu kịch cà phê.
Vươn lên từ khó khăn
Nhiều khán giả mê kịch cà phê cho rằng, nguyên nhân khiến mô hình kịch cà phê ngày càng ít hút khách là: mở kịch cà phê không dễ, do quy định có bán vé, phụ thu là phải thành lập công ty, hoặc thông qua một công ty tổ chức biểu diễn nào đó mới được phúc khảo. Các vở sẽ không được diễn nếu không có phúc khảo như các sân khấu lớn. Do khán giả đa số là sinh viên, học sinh nên không thể phụ thu giá cao hơn và nếu thủ tục buộc phải diễn ra đúng y như thế thì kịch cà phê không thể kham nổi. Rồi là: “Kịch cà phê, nhất là các quán có không gian chật chội, phải ngồi bệt dưới đất, san sát xem kịch hàng giờ nên rất... ê ẩm, mỏi mệt. Loại hình này, chính vì thế chỉ thực sự phù hợp với các vở ngắn, hài nhẹ nhàng và khán giả phần lớn tuổi teen, thích mới lạ, dễ dãi trong thưởng thức”.
Nhận thức rõ khó khăn của mô hình kịch cà phê, lớp diễn viên và đạo diễn trẻ đã nhen nhóm ước mơ bước thẳng lên sân khấu chuyên nghiệp. Điển hình phải kể đến Hồng Trang - từng tốt nghiệp đạo diễn sân khấu vào năm 2009, chị thành lập nhóm kịch cà phê với mong muốn tạo nên một môi trường làm nghề cho các bạn sinh viên trẻ, sau bao năm lăn lộn với sân khấu kịch cà phê, chị xem đây là cái duyên đưa chị đến với sân khấu lớn. Hồng Trang nhớ lại, chị luôn dành rất nhiều tâm huyết và công sức cho nhóm kịch Đời. Những ngày mới ra trường, chưa tìm được chỗ dừng chân cho sự nghiệp, Trang cùng mấy người bạn thành lập một nhóm kịch, diễn trong các quán cà phê. Khi mọi người tách ra, Hồng Trang nghĩ đến việc bỏ kịch cà phê, bỏ những khán giả đang cần mình thì cầm lòng không đặng, vì vậy cô cùng một nhóm các bạn trẻ tiếp tục với kịch cà phê. Gần đây, với việc tham gia gameshow Cười xuyên Việt, nhóm kịch Đời của Hồng Trang đã được nhiều khán giả biết đến. Từ đây, hy vọng mở ra một trang mới cho Hồng Trang và nhóm kịch của cô. Một ngày nào đó, họ sẽ bước thẳng lên sâu khấu chuyên nghiệp.
Suy cho cùng, sân khấu kịch vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng công chúng. Nói như nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, thì: “Tôi vẫn vững tin, các nghệ sĩ đã từng gắn bó với sân khấu kịch, dù ra đi nhưng vẫn đau đáu sẽ trở lại để làm công việc mình mong muốn. Sức hút của kịch rất lạ lùng, khó giải thích. Không có gì cản được nghệ sĩ yêu nghề”.