San hô quý Vịnh Nha Trang hồi sinh, có giữ được không?

08-08-2023 17:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Người dân địa phương vui mừng khi san hô quý gần bờ khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất (Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa) hồi sinh, chúng bắt đầu sinh sôi trở lại. Nhưng đi kèm với đó là không ít những nỗi băn khoăn, liệu những rạn san hô đó có tồn tại được lâu?

Lo lắng khi san hô quý hồi sinh 

Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, sau thời gian dài bị suy thoái, các năm gần đây, san hô tại khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất có dấu hiệu phục hồi trở lại rất tốt.

Cụ thể, khu vực biển Hòn Chồng có diện tích san hô khoảng 3,5 ha, đang trong quá trình phục hồi, đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn. Hiện trạng san hô khu vực này phân bố tương đối sát bờ ở độ sâu từ 2 đến 7m nước.

Khu vực biển đường Đặng Tất diện tích san hô khoảng 7,5 ha, có độ đa dạng sinh học cao hơn so với khu vực Hòn Chồng, san hô đang phát triển tốt, độ phủ 50-60%, bao gồm san hô cứng có kích thước khá lớn và nhiều loài san hô mềm rất cuốn hút. Bên cạnh đó, còn có thảm cỏ biển, rong biển nên thu hút nhiều loài thủy sản về đây sinh sống. Vào thời điểm khảo sát ghi nhận tại đây có nhiều đàn cá con với số lượng lớn sinh sống.

San hô quý gần bờ ở Vịnh Nha Trang hồi sinh, cấp bách bảo vệ trước các mối đe dọa - Ảnh 2.

Nhiều loại san hô quý đang phục hồi một cách kỳ diệu ở khu biển Hòn Chồng (ảnh: Minh Nghĩa)

Các loài san hô quý đang phục hồi một cách kỳ diệu là thế nhưng tại đây cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa như bãi tắm sát với san hô nên người dân hay lội ra bắt cua, ốc khi nước rút khiến san hô bị gãy, hỏng do giẫm đạp.

Anh Lê Thịnh, một du khách đến tắm tại khu vực biển Hòn Chồng chia sẻ, san hô nằm quá gần bờ, một số người lại chưa ý thức hết tầm quan trọng của san hô nên vô tình đạp vào mà không biết.

San hô quý gần bờ ở Vịnh Nha Trang hồi sinh, cấp bách bảo vệ trước các mối đe dọa - Ảnh 3.

San hô đẹp ngay gần bờ khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất (ảnh: Minh Nghĩa)

Một mối đe dọa khác nữa là khu vực biển Hòn Chồng, Đặng Tất chịu ảnh hưởng của các cống thoát nước mưa (cống Hòn Chồng, Đặng Tất và Hòn Một). Khi có mưa lớn, cống thoát nước mưa chảy ra biển kéo theo rác và nước thải ảnh hưởng trực tiếp đến san hô do vùng rạn gần sát với đất liền. Việc ngọt hóa do lượng lớn nước thoát ra vào mùa mưa cũng là một nguyên gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái san hô quý tại đây.

Cần cấp bách bảo vệ san hô

Trong báo cáo của UBND TP. Nha Trang gửi UBND tỉnh Khánh Hòa vào đầu tháng 8, TP này đã tổ chức các buổi tuần tra và tuyên truyền tại hiện trường khu vực biển Hòn Chồng, Đặng Tất, Vĩnh Hòa nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực này bằng hình thức phát loa tuyên truyền lưu động trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, bãi tắm Hòn Chồng.

Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã xây dựng đề án đầu tư và đã được UBND TP. Nha Trang cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương: "Lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô khu vực biển Hòn Mun, Hòn Chồng, Đặng tất". Hiện nay, đề án trong quá trình thẩm định, khi phê duyệt UBND TP Nha Trang sẽ tiến hành khoanh vùng khu vực biển Hòn Chồng, Đặng Tất thành khu bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn hệ sinh thái san hô tại đây.

San hô quý gần bờ ở Vịnh Nha Trang hồi sinh, cấp bách bảo vệ trước các mối đe dọa - Ảnh 4.

Khách du lịch đến đông cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của san hô nếu không được bảo vệ.

UBND TP Nha Trang cũng kiến nghị UBDN tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hoàn thành đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải phía Bắc và các trạm bơm để xử lý lượng nước thải phát sinh tại khu vực phía bắc Nha Trang (khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất, Vĩnh Hòa…).

Từ nay đến cuối năm, tại khu vực biển Hòn Chồng, Đặng Tất, Ban quản lý Vịnh Nha Trang sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tuần tra và cương quyết xử lý các trường hợp bẻ san hô, bắt các loài thủy sản. Đồng thời, tổ chức các đợt thu dọn rác dưới đáy biển (lưới đánh cá, dây thừng, rác thải nhựa…). 

Giám sát chặt hệ sinh thái, khi có sự cố môi trường hay các tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường sống của san hô thì phải kịp thời phối hợp với các nhà khoa học xác định nguyên nhân tìm các giải pháp khắc phục.

Mất hàng nghìn năm mới khôi phục được rạn san hôMất hàng nghìn năm mới khôi phục được rạn san hô

SKĐS - Mấy ngày này, dư luận cũng như những người yêu thích lặn biển ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bàng hoàng trước thông tin san hô chết hàng loạt ở đảo Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang.


Hà Đạo
Ý kiến của bạn