Trong cả năm 2008 đầy biến động bất lợi về kinh tế, thì sàn diễn vẫn là chốn vui chơi khá sang trọng, danh giá và là nơi để tiêu tiền. Nhưng đồng tiền tiêu đi có thành vốn làm lãi, hay chỉ xài chơi cho những đêm vui ngắn chẳng tày gang?
Thời trang đã sớm rút ra được bài học
Nếu như cách đây 7 năm, mạnh ai nấy tổ chức trình diễn thời trang và kiểu gì cũng thu được lợi từ các đêm vui này: Nhà tổ chức được lợi, người mẫu được cát xê, nhà tạo mốt được lăng xê thương hiệu và người xem no mắt thoả mãn với chân dài và áo váy xập xoà như bươm bướm... thì đến thời điểm này, sàn diễn thời trang đã bớt nóng. Sàn diễn thời trang Việt đã phải quay về đúng bản chất của nó, là một hoạt động nặng tính thương mại nhưng phải đạt tầm nghệ thuật đặc biệt phục vụ nhu cầu mặc của con người. Trình diễn thời trang không phải chỉ để mua vui con mắt! Và vì thế, các cuộc trình diễn thời trang đã thu gọn lại và nằm trong tay những người chuyên nghiệp. Trong năm 2008 chỉ còn Viện mẫu thời trang Fadin (cùng với tạp chí Mốt và Vinatex) là đứng ra tổ chức 2 cuộc mang tính chuyên nghiệp, bài bản đúng theo "vở" của hoạt động này trên thế giới, đó là một cuộc Fashion week giới thiệu bộ sưu tập thời trang Xuân - Hè và một cuộc giới thiệu bộ sưu tập thời trang Thu - Đông. Rút kinh nghiệm các lần tổ chức trước, hoạt động này đã được chuyển thời gian để cho phù hợp với tính đi trước của thời trang. Ví dụ như Fashion week Xuân -Hè 2008 thì diễn ra từ tháng 11/2007, Fashion week Thu - Đông 2008 thì diễn ra từ tháng 4/2008, chứ không bị chạy đuổi theo thời gian như cách đây 2 năm (mùa thu qua rồi mà mới giới thiệu thời trang cho mùa thu!). Fadin cũng còn duy trì đều đặn được cuộc thi hàng năm tìm kiếm tài năng thiết kế thời trang Việt bởi cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix. Năm nay đã là năm thứ 10 tổ chức cuộc thi này, và có thể kết luận đây là cuộc thi được tổ chức chuyên nghiệp nhất, dài hơi nhất và các tài năng tìm kiếm được không tắt lụi sau đêm tôn vinh mà thực sự tỏa sáng được trên thị trường thời trang, dù còn phải vật lộn với bao khó khăn. Ngoài Fadin thì Tạp chí Đẹp cũng duy trì đều đặn hàng năm cuộc trình diễn thời trang mang tên "Đẹp Fashion show", nhưng cuộc này nặng về nghệ thuật trình diễn và phô trương sự sáng tạo trong biểu diễn và sân khấu chứ không thực sự tôn vinh thời trang - lẽ ra phải là “nhân vật” chính trong show diễn. Vì thế cuộc này dù được quảng bá rất tốt, nhưng không thành công xét về khía cạnh thúc đẩy, tôn vinh thời trang.
Thi Hoa hậu - nơi trò vui xôm tụ!
2008 là năm vỡ chợ thi hoa hậu! Có thể nói tháng nào cũng diễn ra 1 đến 2 cuộc thi hoa hậu. Xin điểm ra đây một số cuộc: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu biển, Hoa hậu Tây đô, Hoa hậu các miền đất võ, Hoa hậu thể thao, Hoa hậu đồng bằng sông Cửu long, Hoa hậu các dân tộc VN, Hoa hậu thời trang... Đó là chưa kể đến các cuộc thi hoa hậu cấp tỉnh, cấp trường... Và cuộc thi được chú tâm nhất là Hoa hậu Hoàn Vũ.
Những mẫu thiết kế chỉ nặng tính trình diễn đã thưa dần trên sàn thời trang. |
Hẳn nhiên dân ta vẫn rất quan tâm đến người đẹp. Các đại gia cũng vẫn chịu chi nhiều tiền cho hoạt động thi hoa hậu. Vẫn biết nhan sắc là một nguồn tài nguyên của đất nước. Như vậy chuyện chúng ta đổ xô vào khai thác để tranh thủ nguồn lợi này cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mà đất nước Việt Nam cho dù những năm này đã phát triển rất nhanh, thì người đẹp không phải vẽ ra được nên khâu tìm thí sinh để cung ứng cho các cuộc thi có lẽ là khâu thật sự vất vả. Ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu đã phải đi về tận các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và thông qua Đoàn các cấp để "chong đèn tìm người đẹp" chứ không chỉ trông mong vào việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tìm ra được những thí sinh đạt tiêu chuẩn. Như vậy, xét về số lượng, thì 2008 là năm có nhiều cuộc thi hoa hậu nhất kể từ trước tới nay, nhưng xét về chất lượng thí sinh cho từng cuộc, thì lại hơi hẻo! Kể cả việc lựa chọn thí sinh đại diện cho VN tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 cũng vội vàng và trong tình cảnh so bó đũa chọn cột cờ!
Các cuộc thi hoa hậu ở VN đều có kịch bản na ná nhau, thi áo dài, áo tắm, trang phục tự chọn và thi ứng xử. Ở mỗi cuộc thi khác nhau, có chăng BTC cũng nghĩ ra một phần khác theo tiêu chí cái tên ở phần thi năng khiếu, ví dụ như thí sinh ở cuộc thi Hoa hậu các miền đất võ thì nhất thiết phải biểu diễn khả năng này. Với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, là một cuộc thi có công nghệ tổ chức tầm quốc tế, thì phía Việt Nam cũng đã phải chi phí đến hai chục triệu usd cho việc học hỏi thứ công nghệ showbiz đẳng cấp này. Đó có lẽ là thứ đáng kể nhất trong hoạt động thi Hoa hậu năm 2008 vừa qua!
Tiểu Kiều