1. Đặc điểm dược liệu
Sắn dây được trồng từ lâu đời ở đồng bằng và miền núi. Cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất. Ở miền núi, đôi khi người ta cũng khai thác và sử dụng cây sắn dây mọc hoang, nhưng rễ này thường nhỏ, gầy, ít bột, nhiều xơ và có vị hơi đắng.
Bộ phận dùng là rễ củ, thu hái từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đem rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con và cạo lớp vỏ ngoài, rồi chế biến ngay, vì để quá 3 ngày rễ có màu bã trầu làm phẩm chất giảm và để lâu hơn rễ sẽ thối hỏng.
Cây và vị thuốc cát căn
Có hai cách chế biến:
1.1 Cát căn phiến: Cắt rễ sắn dây thành khúc dài 10 - 20cm. Nếu rễ to thì bổ đôi theo chiều dọc. Hoặc thái rễ thành từng miếng dày 0,5 - 1cm. Xông diêm sinh trong 1 ngày 1 đêm. Phơi hoặc sấy khô. Bảo quản trong thùng sạch, kín.
1.2. Bột sắn dây: Rễ cắt thành khúc, giã thật nhỏ nhuyễn rồi cho vào chậu nước sạch. Vò nát và vắt kiệt lớp xơ, làm nhiều lần như vậy để lấy hết tinh bột. Dồn nước có bột thô sắn dây lại, để lắng. Chắt bỏ nước, gạn lấy tinh bột. Tiếp tục khuấy bột với nước sạch nhiều lần đến khi được bột trắng thì thôi. Đem bột tãi mỏng, phơi nắng hoặc sấy khô.
2. Tác dụng của sắn dây (cát căn)
2.1. Sách Lý Sĩ Tài đời Minh ghi: Cát căn là thuốc vào kinh dương minh chủ trị nhức đầu và sinh cơ, chỉ khát, tiêu độc, giải rượu.
2.2.Sách bản thảo cương mục Lý Thời Trân ghi: Cát căn tán uất hỏa, làm ra mồ hôi, hạ nhiệt, sử dụng với bệnh ngoại cảm sốt cao phiền khát, đau gáy, sưng gáy.
2.3. Sách bản thảo cầu chân - Hoàng Cung Tú ghi: Khi nào đầu nhức như búa bổ là tà khí vào kinh dương minh thì nên dùng cát căn. Nếu chưa vào kinh dương minh mà dùng cát căn không khác đưa giặc vào nhà.
2.4. Sách bản thảo bị yếu ghi: Cát căn chữa được thương hàn trúng phong, dương minh đầu thống (đau đầu) giải tửu độc, lợi tiểu tiện nhưng dùng nhiều lại hại vị khí. Nước cát căn sống đại hàn, giải ôn bệnh đại nhiệt và nôn ra máu.
Nước cát căn chữa bí tiểu tiện
3. Bài thuốc thường dùng từ sắn dây
Kinh nghiệm dân gian dùng cát căn giã lấy nước uống chữa chứng nôn khan không dứt; phụ nữ có thai phát nóng, giải rượu.
Nước cát căn uống dùng trong các chứng viêm loét miệng, sinh mụn nhọt, các chứng bí tiểu tiện, tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu đục, bã đắp chữa sưng đau.
Chữa đau đầu, sốt nóng, đau mình mẩy: Cát căn 10g, địa liền 5g, bạch chỉ 5g. Phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 10g chia làm hai lần.
Thuốc giải nhiệt, tiêu khát, tiêu độc: Rau má để tươi rửa sạch 20g, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước rồi hòa 10g bột sắn dây. Thêm đường, uống làm một lần. Ngày vài lần.
Chữa sốt rét, khát nước, không có mồ hôi: Cát căn 8g, đại táo 5g, ma hoàng 5g, gừng sống 5g, cam thảo 4g, quế chi 4g, bạch thược 4g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
Bột cát căn rắc những nơi mồ hôi ẩm ướt: Bột sắn dây 5g, thiên hoa phấn 5g, hoạt thạch 20g, trộn đều rắc lên những nơi ẩm ngứa.
Lá sắn dây chữa rắn cắn: Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn.
Mời bạn xem thêm video:
Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà